Backlink là gì? Hướng dẫn xây dựng backlink hiệu quả từ A – Z

Không có gì là quá mới lạ cho việc Backlink là “SIÊU” quan trọng trong SEO.

Bạn có thể nghe ở đâu đó rằng:

“Xuất bản nội dung chất lượng có ích hơn đi xây dựng backlink”.

Đúng vậy, nội dung chất lượng luôn là tiêu chí hàng đầu, nhưng đó chỉ là bước đầu tiên.

Nếu bạn chỉ tập trung vào xây dựng nội dung chất lượng hoặc các phương pháp offpage khác mà không xây dựng backlink thì bạn đã bỏ qua cơ hội để website của bạn được xếp hạng cao hơn trên Google.

Để tôi đoán nhé.

Có phải bạn đang nghĩ rằng việc xây dựng backlink khá khó, mất nhiều thời gian và “ngốn” quá nhiều chi phí của bạn?

Hay bạn không biết bắt đầu từ đâu hoặc làm sao để chọn backlink phù hợp với website của bạn. Phải không?

Nếu đúng vậy thì bạn đừng lo.

Trong bài viết này của tôi sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề trên:

  • Hiểu đúng về backlink.
  • Backlink giúp ích gì trong SEO?
  • Các tiêu chí của 1 backlink tốt, chất lượng.
  • Các nguồn tìm kiếm backlink miễn phí
  • Quy trình xây dựng backlink cho 1 website mới hoàn toàn
  • … và nhiều hơn thế nữa.

OK, bắt đầu thôi nào!

Backlink là gì?

Backlink (còn được biết với các thuật ngữ “inbound links”, “incoming links” hoặc “one way links”) là liên kết từ một website này đến một trang của website khác.

Google và các công cụ tìm kiếm khác coi backlink như một “phiếu bầu” cho một trang cụ thể. Các trang có số backlink chất lượng cao thì có xu hướng xếp hạng tốt hơn trên công cụ tìm kiếm.

Ví dụ, đây là một liên kết từ website vietreview.vn trỏ về website của tôi

Bởi vì liên kết đó trỏ trực tiếp về website của tôi, nên đó là một “backlink”

Tại sao backlink lại quan trọng trong SEO

Backlink về cơ bản là các phiếu bầu từ các website khác. Mỗi phiếu bầu này nói với công cụ tìm kiếm rằng: “Nội dung này có giá trị, đáng tin cậy và hữu ích”.

Vì vậy, nếu bạn có nhiều “phiếu bầu” chất lượng, website của bạn có thể được đánh giá tốt và có thứ hạng cao hơn trên Google.

Đến nay thì các vấn đề về backlink trong thuật toán của công cụ tìm kiếm vẫn không có gì quá đổi mới. Trên thực tế, các backlink đã hình thành nền tảng thuật toán ban đầu của Google (được gọi là “Page Rank”).

Mặc dù Google đã thực hiện rất nhiều lần việc thay đổi, cập nhật thuật toán của mình, nhưng backlink vẫn là một tín hiệu xếp hạng quan trọng.

Và Google cũng đã xác nhận rằng, backlink vẫn là một trong ba yếu tố xếp hạng quan trọng nhất.

Vậy backlink mang đến những lợi ích gì cho website của bạn?

1. Cầu nối điều hướng người dùng

Cũng giống như internal link, backlink cũng là một cách điều hướng người dùng đến với một nội dung nào đó.

Backlink chính là cầu nối để đưa người dùng đến website của bạn. Đối với yếu tố này thì cả backlink dofollow và nofollow đều có tầm quan trọng như nhau.

2. Giúp lập chỉ mục nhanh hơn

Backlink giúp cho Google phát hiện ra nội dung của bạn sớm hơn. Việc này là một điểm cực kỳ hữu ích đối với các website mới.

Nói một cách dễ hiểu, các backlink này sẽ chỉ dẫn cho bot của Google đến website của bạn.

Nếu chúng ta đặt backlink một cách tự nhiên, hợp lý và ở một vị trí tốt, thì lập tức nội dung của bạn sẽ được thu thập nội dung và xếp hạng.

3. Hỗ trợ tăng traffic

Một lợi ích khác mà backlink mang đến cho bạn đó là “leo kéo” độc giả đến với website của bạn thông qua liên kết đó.

Thay vì lượng khách hàng truy cập trực tiếp vào website, thì website của bạn sẽ có cơ hội tiếp cận với tệp khách hàng mới. 

4. Cải thiện thứ hạng từ khóa và website

Mỗi Backlink giống như một “phiếu bầu” giúp website của bạn gia tăng độ uy tín đối với Google. Nó đóng vai điều hướng người dùng ghé thăm website theo một mục đích nhất định nào đó.

Từ đó giúp cải thiện vị trí website, từ khóa của bạn trên bảng xếp hạng Google một cách hiệu quả.

5. Tăng độ uy tín cho website

Rõ ràng khi đặt backlink ở khắp nơi thì việc nhận diện thương hiệu của website, được nhiều người biết đến hơn. 

Việc tăng tỷ lệ chuyển đổi từ khách hàng sẽ cải thiện rõ rệt nếu bạn đi backlink ở những nơi có nhiều người truy cập hàng ngày như báo chí lớn: Vnexpress, 24h.com.vn, Vietnamnet, VTV, VTC…

Phân loại backlink

1. Dựa theo cấu trúc thẻ link

Dựa theo cấu trúc thẻ link, được phân cơ bản thành 2 loại: Backlink Dofollow và Backlink Nofollow

Backlink dofollow

Đây được xem là loại backlink phổ biến và tốt cho SEO, mà rất nhiều SEOer “thèm muốn”.

Thẻ Dofollow với mục đích thông báo cho Bot của Google hay các công cụ tìm kiếm khác biết rằng, nó có thể đi theo đường dẫn này, thu thập và đánh giá nội dung của đường dẫn đó.

Cách đặt thẻ Dofollow

<a href="https://example.com" rel="dofollow">anchor text</a>

Là loại backlink mà khi tạo ra sẽ truyền toàn bộ sức mạnh cho link được liên kết.

Nếu bạn nhận được nhiều backlink dofollow từ các website uy tín và phù hợp, việc này giúp cho website của bạn được đánh giá tốt hơn và có thứ hạng cao hơn cũng như gia tăng các chỉ số khác.

Nhưng ngược lại, nếu bạn nhận được backlink dofollow từ các website xấu hay chất lượng thấp thì có thể khiến Google có thể đánh giá thấp về trang của bạn.

Vì vậy, bạn nên cẩn thận trong việc chọn backlink cho website của mình.

Backlink nofollow

Khác với dofollow, thẻ nofollow nhằm mục đích thông báo với công cụ tìm kiếm rằng, nó không cần phải đi theo và đọc nội dung của liên kết này. Đây như một lời “chối bỏ” trách nhiệm nội dung của website được trỏ đến. 

Cách đặt thẻ Nofollow

<a href="https://example.com" rel="nofollow">anchor text</a>

Là loại link mà có sự liên kết từ website B về website A nhưng chỉ số sức mạnh từ B về A không toàn phần giống như Dofollow. Việc dùng link nofollow trên các website có thể tùy biến được nhằm đa dạng hóa nguồn backlink và tạo ra sự tự nhiên.

Tuy nhiên, các SEOer thường cho rằng, backlink nofollow sẽ không có bất kỳ giá trị nào và giúp ích gì cho website của họ, điều này không đúng.

Mặc dù Bot của công cụ tìm kiếm không đi theo backlink nofollow, nhưng website của bạn vẫn nhận được những giá trị gián tiếp:

  • Bạn sẽ có 1 lượng traffic gián tiếp về website từ liên kết đó.
  • Nếu nội dung của bạn hay và người dùng thấy rằng nó hữu ích, họ sẽ tự nguyện chia sẻ nội dung của bạn, bạn lại sẽ thu thập được một lượng backlink dofollow.

Chính vì thế, bạn không nên xem thường backlink nofollow, nhiệm vụ của bạn là tạo ra những nội dung chất lượng và đáp ứng được nhu cầu của người dùng. 

2. Dựa theo hình thức

Backlink Image 

Backlink Image là loại link được gắn vào hình ảnh, khi người dùng click vào ảnh sẽ được dẫn đến một bài viết khác theo liên kết gắn vào đó.

Loại backlink này thông thường được ít các SEOer sử dụng đến, tuy nhiên đây cũng là một cách giúp bạn đa dạng backlink của mình hơn.

Tuy nhiên, bạn cần phải làm rõ ràng nội dung trên hình ảnh mà bạn muốn đặt backlink.

Backlink Anchor text

Là loại backlink được chèn một cụm từ hay từ khóa phù hợp trong bài viết. Đây được coi là một loại backlink tốt nhất, việc này giúp công cụ tìm kiếm xác định được nội dung chính của backlink đấy là gì và giúp xác định được từ khóa của liên kết đó.

Tuy nhiên, bạn phải cần hết sức chú ý đa dạng cụm từ gắn backlink về một trang, nếu không Google sẽ cho rằng bạn đang cố tình thao túng bot, thao túng từ khóa, … 

Hãy làm sao cho tự nhiên nhất có thể.

Các ý tưởng giúp bạn khai thác backlink

1. Backlink Profile

Hay còn gọi là Backlink Social Profile (hoặc “Entity Backlink”, “Entity Building”) là những backlink trỏ về website của bạn từ profile mạng xã hội chúng đóng vai trò là link nền giúp website của bạn phát triển bền vững.

Đây là loại backlink được hầu hết các SEOer sử dụng rộng rãi hiện nay.

Có rất nhiều Social Network (mạng xã hội) cho phép người dùng đăng ký và tạo Profile trên nền tảng của họ, hầu hết đều cho phép bạn thêm liên kết đến website hay blog của bạn hoặc các trang mạng xã hội khác, như: Facebook, Twitter, Pinterest, Youtube, Aboutme,…

Loại link này hoàn toàn miễn phí, gần như an toàn tuyệt đối cho website của bạn. Chúng giúp bạn xác thực website là 1 thực thể cá nhân, hay tổ chức có thật, được định danh và xác định chủ đề chính của website.

Bạn có thể sử dụng danh sách các social network mà tôi tổng hợp được, chọn lọc lại và đưa vào danh sách đi backlink của mình, tại đây.

Bạn cũng có thể tìm thêm nhiều social network khác bằng cách sử dụng Ahrefs, tôi sẽ hướng dẫn bạn chi tiết hơn ở phần triển khai bên dưới.

2. Chia sẻ lên các trang mạng xã hội

Mạng xã hội là nơi giúp bạn khai thác backlink miễn phí, an toàn và mang lại hiệu quả. Bạn còn có thể nhận được lượt view, like, share, … thậm chí là có thêm nhiều khách hàng tiềm năng đến từ các mạng xã hội.

Sau khi xuất bản bài viết trên website, bạn hãy chia sẻ những bài viết này trên các mạng xã hội lớn và có nhiều người dùng như: Facebook, Twitter, Linkedin, …

Tuy nhiên, để có được nhiều lượt view hoặc thậm chí là các lượt chia sẻ thì bạn phải đảm bảo rằng nội dung của bạn phải hết sức hấp dẫn.

Ngoài việc giới thiệu các bài viết này đến rộng rãi với người dùng, cách này còn giúp cho bài viết của bạn được index nhanh hơn.

Bạn có thể tự động hóa công việc này bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ như Buffer hoặc IFTTT, Hootsuite, … chúng tôi sẽ có các bài hướng dẫn chuyên sâu giúp các bạn sử dụng các công cụ này ở những bài sau.

3. Press Release

Đây là cách lấy backlink từ các trang báo mạng nổi tiếng, các báo này thường có lượng truy cập lớn và độ uy tín cao, cũng như các chỉ số cũng rất tốt. 

Từ đó website của bạn có thể “hưởng ké” được sức mạnh hoặc thậm chí nhiều người biết đến website của bạn hơn.

Tuy nhiên, để triển khai loại backlink này thì bạn phải tốn một khoản chi phí khá lớn. 

Để mua các loại backlink này, bạn có thể liên hệ trực tiếp với các đầu báo hoặc các agency để được nhận báo giá và các hướng dẫn tiếp theo đó.

4. Website có cùng chủ đề

Khi 1 website liên kết đến website khác, Google muốn thấy rằng hai website này có liên quan với nhau.

Ví dụ bạn xuất bản một bài viết về “kem chống nắng”.

Trường hợp này, Google sẽ đánh giá cao hơn nếu bạn có liên kết từ các bài viết tương tự hoặc liên quan xoay quanh chủ đề về làm đẹp, dưỡng da, skincare, …

Bạn có thể trao đổi backlink với các website có cùng chủ đề với mình bằng cách liên hệ với các chủ sở hữu website đó.

Đừng ngại chat hay email cho những website bạn tìm được và thấy chúng cùng chủ đề với website của bạn, biết đâu website của bạn sẽ được nhận thêm một vài backlink chất lượng.

Tuy nhiên, với một số website có các chỉ số cao, thì họ sẽ không dại gì mà trao đổi backlink với các website thấp hơn, bạn có thể đề nghị với một bài đăng có trả phí.

Bạn cũng có thể tham gia vào các cộng đồng bán và trao đổi backlink trên các mạng xã hội, để tìm nhiều website có cùng chủ đề hơn.

Ở đây mọi người thường xuyên rao bán backlink từ các website, việc của bạn là chọn lọc lại các website phù hợp với mình.

Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách khai thác backlink ở các website cùng chủ đề này bằng nhiều cách hơn ở các bài viết tiếp theo.

5. PBN

PBN (Private Blog Network) là việc bạn phải xây dựng cho mình hệ thống site vệ tinh có cùng chủ đề với money site. Sau đó, bạn sẽ đặt backlink từ các site vệ tinh này trỏ link về website chính. 

Thông thường việc xây dựng hệ thống PBN bằng cách tìm, đấu giá mua lại các tên miền hết hạn đang chờ đăng ký mới.

Đặc điểm chung của các tên miền này là có các chỉ số như DA, PA, CF, TF cao, có lịch sử tốt hoặc đơn giản là một thương hiệu nổi tiếng mà chủ cũ không còn sử dụng.

Việc xây dựng một hệ thống PBN giúp bạn:

  • Tận dụng được sức mạnh vốn có của website trước đây.
  • Đẩy nhanh tốc độ của chiến dịch SEO.
  • Dễ dàng quản lý backlink hiệu quả, đơn giản.
  • Chủ động và linh hoạt theo đúng điều hướng bạn mong muốn.

Tuy nhiên, việc này khá mất nhiều thời gian, công sức cũng như chi phí mà bạn phải bỏ ra là không hề ít.

Và theo sau đó là nhiều rủi ro: bị phạt nếu bị phát hiện hành vi thao túng, chọn phải domain kém chất lượng gây ảnh hưởng xấu đến money site.

Chúng tôi sẽ có một bài cụ thể hơn để hướng dẫn các bạn cách tìm, săn domain và thậm chí là cách phục hồi, phát triển chúng như thế nào.

6. Blog Comment

Các bạn có thể để lại bình luận ở các bài viết trên các Blog kèm theo liên kết mà bạn muốn điều hướng người dùng đi đến.

Tuy nhiên, bạn cần có một chiến lược comment hết sức tinh tế, phải đúng đối tượng, nội dung để các chủ blog duyệt và hiển thị comment của bạn.

Chất lượng của loại link này tuy không được đánh giá quá cao, nhưng nó cũng góp phần giúp bạn đa dạng nguồn backlink, nếu khai thác tốt vẫn có thể giúp bạn mang lại nguồn traffic cho website của mình.

Vậy làm sao bạn có thể tìm được những blog comment này?

Hãy nhập những cú pháp dưới đây vào công cụ tìm kiếm:

  • [từ khóa] + “Add New Comment”
  • [từ khóa] + “add a comment”
  • [từ khóa] + “Leave a comment”
  • [từ khóa] + “Reply or Comment”
  • [từ khóa] + “Post new comment”
  • [từ khóa] + “Add Comment”
  • [từ khóa] + “Bình luận”
  • [từ khóa] + “Để lại bình luận”
  • [từ khóa] + “Gửi bình luận”

Ví dụ tôi muốn tìm các blog comment về làm đẹp, tôi sẽ nhập: làm đẹp + “Add New Comment”

Lập tức Google sẽ trả về tất cả các blog/ website về chủ đề làm đẹp, cho phép bạn để lại comment. Hãy tổng hợp lại vào danh sách đi backlink của bạn.

7. Website của tổ chức chính phủ, giáo dục

Là loại backlink được trỏ từ các website tổ chức lớn, các trang chính phủ đuôi .gov, .gov.vn, .org, .org.vn hoặc các trang giáo dục đuôi .edu và .edu.vn. 

Loại backlink này cực kỳ uy tín và chất lượng. Vì nó mang theo giá trị cao về Trust ( độ tin tưởng và uy tín) từ bản thân domain đó. Loại này có thể đặt text link hoặc dạng bài viết tuỳ vào website. 

Bạn có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan, tổ chức mà bạn mong muốn đặt backlink hoặc liên hệ các agency để được hỗ trợ báo giá.

Tuy nhiên, một vài website .gov, .edu, .org cho phép bạn tạo tài khoản và đăng bài ở chuyên mục hỏi đáp của họ hoặc đơn thuần là tạo một trang profile cá nhân.

Để tìm kiếm được danh sách website càng không khó.

Ở đây tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách tìm các site có đuôi .gov, còn lại thì sẽ tượng tự như nhau.

Bạn sử dụng cú pháp site:gov.vn, cú pháp này sẽ cho phép bạn tìm ra những website hoạt động có đuôi gov.vn.

Tuy nhiên bạn cần phải lọc lại, để tìm những website phù hợp với lĩnh vực của mình.

Bạn hãy thêm cú pháp: inurl:từ khóa hoặc allinurl:từ khóa vào lệnh tìm kiếm của bạn.

  • site:gov.vn inurl:từ khóa: Kết quả này sẽ hiện ra các website có đuôi .gov và chứa từ khóa trong URL.
  • site:gov.vn allinurl:từ khóa: Kết quả này sẽ hiện ra các website có đuôi .gov và chứa từ khóa trong URL nhưng đã được lọc trùng nếu các URL đó có cùng domain.

Ví dụ tôi muốn tìm các domain có đuôi .gov và liên quan chủ đề làm đẹp, tôi sẽ nhập cú pháp site:gov.vn inurl:làm đẹp hoặc site:gov.vn allinurl:làm đẹp

Còn chần chờ gì nữa, thu thập và thêm vào danh sách tổng hợp của bạn thôi.

Có vài cấu trúc nâng cao hơn giúp bạn loại bỏ các website vô dụng như: không cho phép bạn tạo tài khoản hay để lại comment, …

  • site:gov inurl:từ khóa "post a comment": Cú pháp này giúp lọc ra các website cho phép bạn comment được ở mỗi bài viết.
  • site:gov inurl:từ khóa "you must be logged in": Cú pháp này giúp lọc ra các website cho phép bạn đăng kí tài khoản, không phải lúc nào cũng lọc được, nhưng nó rất hiệu quả.

8. Web 2.0

Web 2.0 hay Weblog là một kiểu nhật ký trực tuyến dưới dạng website được người dùng viết ra để thể hiện ý kiến, quan điểm, suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân về một chủ đề nào đó.

Hiện nay, ranh giới giữa website và blog gần như được xóa nhòa và blog trở nên “thương mại hóa”, phục vụ mục đích kinh doanh và học thuật nhiều hơn. 

Có rất nhiều website cho phép bạn tạo một blog cá nhân miễn phí dựa trên nền tảng website hay mã nguồn mở của họ, như: 

  • WordPress
  • Medium
  • Blogger
  • Wix
  • Tumblr
  • Weebly

Với các dạng Web 2.0 này, bạn hoàn toàn không phải lo lắng về việc mua domain, hosting để chứa website hay dung lượng chứa của hosting, gần như không phải lo lắng bất kỳ điều gì cả, bởi mọi thứ điều được hỗ trợ.

Tuy nhiên, đây chỉ là những subdomain hay chỉ là một tài khoản, bạn có thể bị chủ website cho “bay màu” nếu như không tuân thủ các luật mà họ đặt ra.

Bạn hãy đăng ký tài khoản, tạo một blog có chủ đề liên quan đến website chính của bạn, xuất bản các bài viết, chăm sóc chúng như một website chính và cuối cùng là khai thác backlink về website của bạn.

Đây là một backlink được đánh giá khá chất lượng, vì cơ bản các website này có chỉ số rất cao và bạn có thể thừa hưởng từ nó. 

Và còn tuyệt vời hơn nếu blog bạn có được nhiều lượt truy cập từ các bài viết chất lượng.

Lúc đó bạn website của bạn lại có thể nhận được những truy cập gián tiếp từ các backlink đặt tại các bài viết trên blog.

Thật đáng tiếc, những blog này bạn không thể tùy biến nhiều và can thiệp nhiều vào website mà chỉ sử dụng được những gì sẵn có mà họ cung cấp.

Bạn có thể tham khảo thêm danh sách các website cho tạo blog cá nhân tại đây.

9. Textlink

Các bạn sẽ thường thấy loại backlink này ở footer, header hoặc “neo” ở sidebar hay một chuyên mục bất kỳ.

Ngày trước vào khoảng những năm 2012 – 2014, thì loại link này đã từng “làm mưa, làm gió”, tuy nhiên từ khi thuật toán Google Penguin ra đời thì loại link này đã trở thành một con dao hai lưỡi nếu bạn không biết cách sử dụng tốt chúng.

Bởi vì, rất khó để đảm bảo đường liên kết này phù hợp với tất cả các nội dung và ngữ cảnh xung quanh, hãy cẩn trọng và cân nhắc kỹ với loại link này, nếu bạn không muốn bị án phạt của Google.

Nếu bạn muốn triển khai loại backlink này cũng có thể liên hệ với các agency để nhận được hướng dẫn cũng như báo giá.

Tuy nhiên, tôi không khuyến khích bạn sử dụng loại backlink nguy hiểm này, đây được xem là thao túng backlink.

Rõ ràng, bạn có thể thấy, nó chỉ là một đoạn text “neo” tạm và không có ngữ cảnh xung quanh nào bổ nghĩa cho nó, càng không phù hợp với chủ đề website.

10. Backlink Wikipedia

Backlink Wikipedia là loại backlink khai báo dạng thông tin cá nhân, tổ chức ở trên các trang wikipedia chính thống hoặc một số trang wiki khoa học có đuôi .win và .science.

Đây được cho là backlink “xịn”.

Có phải đây là loại backlink bạn hàng ao ước?

Bạn sẽ khá bất ngờ vì việc tạo ra nó không quá khó khăn như bạn nghĩ.

Thông thường các trang wiki sẽ cho phép bạn mở tài khoản, góp ý vào bài viết và xuất bản nội dung mới. Tuy nhiên, hay bám sát nguyên tắc biên tập của họ, nếu không phần góp ý, bài viết mới của bạn sẽ bị xóa, thậm chí tài khoản của bạn sẽ bị khóa vĩnh viễn.

11. Backlink diễn đàn

Các diễn đàn sau khi bạn tạo tài khoản, bạn sẽ được phép tạo ra những nội dung chất lượng của riêng mình, đóng góp vào sự phát triển cho diễn đàn đó hoặc lang thang bình luận bài viết của người khác có chứa backlink trỏ về website của bạn.

Việc của bạn là hãy tạo ra những nội dung đóng góp chất lượng và đừng cố ý spam, vì quản trị viên có diễn đàn có thể xóa bài viết thậm chí xóa tài khoản bạn bất cứ lúc nào. Hãy khai thác một cách thật tinh tế.

Để tìm các diễn đàn liên quan đến chủ đề website của bạn, cũng khá đơn giản, tương tự như tìm Blog Comment, bạn có thể nhập các cú pháp sau vào công cụ tìm kiếm:

  • [từ khóa] + diễn đàn
  • diễn dàn + [từ khóa]

Ví dụ tôi cần tìm các diễn đàn về làm đẹp, tôi sẽ nhập cụm từ “diễn đàn làm đẹp”

Tiếp tục là thêm chúng vào danh sách đi backlink của bạn.

12. Backlink tại các website TMĐT

Nếu bạn đang bán sản phẩm nào đó, và có gian hàng của mình trên các website thương mại điện tử.

Thật tuyệt vời, bạn có thể khai thác backlink tại các phần mô tả sản phẩm của bạn.

13. Một vài ý tưởng khác để khai thác backlink

  • Backlink Redirect
  • Link Bait
  • Industry Directories/ Web Directories
  • Google Business
  • Backlink từ Email
  • Đặt link tại Ebook
  • Infographic Citation Links
  • Liên kết từ SlideShare

Các tiêu chí để đánh giá một backlink chất lượng

Phải công nhận một điều rằng, backlink góp phần rất nhiều trong việc thúc đẩy thứ hạng từ khóa, bài viết hay website của bạn. 

Tuy nhiên không phải backlink nào cũng đủ chất lượng và phù hợp với website của bạn.

Vậy thế nào là một backlink chất lượng?

Ở phần này, tôi sẽ liệt kê một vài tiêu chí trong việc lựa chọn backlink chất lượng, giúp bạn chọn được backlink phù hợp với website của bạn.

1. Website có cùng chủ đề

Thông thường các backlink từ các website có cùng chủ đề được người dùng lẫn công cụ tìm kiếm đánh giá cao hơn.

Ví dụ bạn đang bán son, bạn có thể tìm kiếm các website về trang điểm, làm đẹp, thời trang, phụ nữ, …

Hãy tượng, các website mà bạn đặt backlink là một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, thì nếu bạn có được “phiếu bầu” từ các chuyên gia trong cùng lĩnh vực, đồng nghĩa với việc nội dung của bạn chất lượng và uy tín hơn trong mắt Google.

2. Website có chỉ số DA, PA cao

Đây là các chỉ số được phát triển bởi Moz (Moz.com).

DA là cụm từ viết tắt của Domain Authority, đặt ra để đo lường độ uy tín (Trust) và sức mạnh của một tên miền (Domain).

PA là viết tắt của Page Authority là một số liệu để đo lường sức mạnh cũng như độ uy tín (Trust) của một page (URL).

Các chỉ số này được tính theo thang điểm từ 1 đến 100, điểm càng cao chứng tỏ trust và sức mạnh của website bạn càng cao.

Bạn có thể check các chỉ số này bằng cách đăng ký tài khoản tại Moz.com 

Ngoài check 2 chỉ số DA, PA, Moz còn giúp bạn: nghiên cứu từ khóa, gợi ý tối ưu website, … bạn có thể khám phá thêm.

Hoặc bạn có thể add-on MozBar vào Chrome của bạn để sử dụng tính năng xem nhanh chỉ số DA, PA

3. Website có nhiều backlink chất lượng

Nếu bạn nhận được backlink từ một website, mà website đó cũng nhận được nhiều backlink chất lượng từ các website khác trỏ đến, thì website của bạn cũng sẽ được nhận các giá trị gián tiếp. 

Mặc khác, nếu một website nhận được nhiều backlink tốt, thì chứng tỏ rằng website đó cũng chất lượng tốt cũng như được đầu tư kỹ lưỡng.

Bạn có thể kiểm tra được một website nhận được backlink từ các website nào bằng tính năng kiểm tra và theo dõi backlink của Ahrefs hoặc bất kỳ công cụ nào khác mà bạn thường dùng.

Ở trang Overview của Ahrefs, phần BacklinksReferring domains bạn sẽ xem được website đã nhận được bao nhiêu backlink và nó đến từ bao nhiêu domain.

Nhấp chọn Referring domains, sau đó kiểm tra xem website này nhận được backlink từ các domain nào.

Bạn cũng có thể kiểm tra được chất lượng tổng thể của các backlink thông qua các chỉ số như: TF, CF, DR, UR.

TF, CF

Đây là các chỉ số được phát triển bởi Majestic (majestic.com)

TF (Trust Flow) đây là chỉ số sẽ cho biết website có độ tin cậy là bao nhiêu thông qua chất lượng của tổng thể các backlink đến website đó.

CF (Citiation Flow) là chỉ số đánh giá độ tin cậy của một URL thông qua chất lượng tổng số backlink đến URL đó.

Thang điểm của các chỉ số này được tính từ 1 – 100, và điểm càng cao càng tốt.

DR, UR

Đây là các chỉ số được phát triển bởi Ahrefs.

DR (Domain Rating) cho thấy sức mạnh và độ tin tưởng của toàn bộ website ấy dựa trên backlink tới website ấy.

UR (URL Rating) đo lường sức mạnh và độ tin tưởng của một URL cụ thể dựa trên backlink đến URL đó.

Thang điểm của 2 chỉ số này vẫn được tính từ 0 – 100.

Tuy nhiên các chỉ số trên chỉ là tham khảo, vì thực chất trên đây cũng chỉ là các công cụ thứ 3, mỗi công cụ sẽ có một công thức tính điểm khác nhau.

4. Website có ít link out

Link out được dùng để gọi những link trỏ ra bên ngoài website của bạn.

Nhiều người cho rằng, nếu một website có quá nhiều link out ra ngoài thì các giá trị của website sẽ bị giảm.

Điều này có thật sự đúng hay không?

Bạn nên hiểu đúng bản chất của link là gì, nó góp phần bổ nghĩa cho cụm từ mà bạn chèn vào. Backlink cũng như vậy, nếu như nó đúng với cụm từ bạn chèn vào và phù hợp với ngữ cảnh xung quanh, thì việc nhiều hay ít link out không vấn đề gì.

Tuy nhiên, không thể phủ định việc link out quá nhiều cũng sẽ có đôi chút ảnh hưởng đến link juice. Nên đây cũng sẽ là một trong những tiêu chí để bạn chọn website đặt backlink.

Nếu đây là một website có các chỉ số cực khủng, thì nó cũng là một website lý tưởng và ngược lại thì bạn nên cân nhắc thêm.

Bạn có thể kiểm tra link out của một website, bằng cách sử dụng tính năng Outgoing links của Ahrefs.

Hoặc bạn có thể sử dụng bất cứ công cụ check link out nào khác như: Broken Link Checker, LinkMiner, …

5. Website có nhiều traffic.

Những website mà bạn đặt backlink có traffic càng cao, thì giá trị backlink được đánh giá càng chất lượng. 

Bởi bạn sẽ nhận được traffic của các khách hàng tiềm năng thông qua backlink đó.

Vì vậy, khi đặt backlink, tôi khuyến khích bạn chọn những website hay page có traffic cao và liên quan đến nội dung của bạn.

6. Chất lượng của nội dung đặt backlink

Để bài viết của bạn được nhiều người đọc quan tâm, thì nội dung của bạn cung cấp cho người dùng phải hữu ích. 

Khi chất lượng nội dung của website mà bạn đặt backlink nó tốt, thì hiển nó sẽ có được nhiều lượt truy cập và bạn cũng sẽ nhận được lượt khách hàng gián tiếp như tôi đã nói ở tiêu chí trên.

7. Đặt link ở vị trí dễ nhìn thấy

Thông thường người dùng thường đọc bài viết từ trên xuống dưới. Do đó, những backlink đặt ở các vị trí phía trên sẽ có tỷ lệ nhấp chuột cao hơn.

Ví dụ như khi ta đặt banner quảng cáo, vị trí đầu tiên, trên cùng  bao giờ cũng sẽ thu hút được người dùng hơn.

Vì vậy khi đặt link bạn hãy lựa chọn những vị trí mà người dùng dễ thấy nhất.

8. Link Dofollow hay Nofollow?

Tôi cũng đã có nhắc đến ở trên, việc chọn đặt một backlink dofollow sẽ tốt hơn so với backlink nofollow. 

Nhưng bạn cũng đừng phủ nhận các giá trị mà backlink nofollow mang lại, nếu không có sự lựa chọn nào tốt hơn, thì nó vẫn là một gợi ý tốt cho bạn.

9. Một vài tiêu chí tham khảo khác

  • Backlink được đặt trong bài viết có nhiều like, share
  • Backlink được đặt trong bài viết có nhiều comment chất lượng
  • Backlink từ các website khác IP 
  • Backlink nằm ở trang chủ 
  • Tuổi đời của website đặt backlink

Quy trình triển khai chiến lược backlink hiệu quả

Ở phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn quy trình cũng như cách lên kế hoạch đi backlink cho 1 website.

Bước 1: Phân tích backlink đối thủ

Bất kì giai đoạn nào của một chiến dịch SEO, thì việc phân tích đối thủ luôn là một công việc quan trọng, bởi bạn phải biết đối thủ của bạn đang làm gì, làm như thế nào để có thể học theo và phát triển tốt hơn. 

Bạn không chỉ phân tích đối thủ khi bắt đầu dự án hay bắt đầu một giai đoạn nào đó, mà phải luôn luôn theo dõi và phân tích thường xuyên, thậm chí là hàng ngày.

“Không có người thầy nào tốt hơn đối thủ của bạn”

Jack Ma

Hầu hết chúng ta đều có một câu hỏi “Đi bao nhiêu backlink là đủ?”

Thất đáng tiếc là không có số liệu hay thống kê nào cho biết rằng một page hay một website đi bao nhiêu backlink là đủ, là lên top cả.

Ở bước phân tích backlink của đối thủ này, bạn có thể phân tích xem các đối thủ của mình đang đi những loại backlink nào, số lượng, chất lượng ra sao. Và tạm lấy đó là thước đo số lượng, chất lượng backlink của website bạn.

Về chất lượng nội dung hay onpage, thì bạn phải ngang hoặc thậm chí phải tốt hơn đối thủ, thì mới tính đến chuyện so sánh backlink này.

Bạn có thể kiểm tra và theo dõi backlink đối thủ bằng bất kỳ công cụ hỗ trợ nào trên thị trường.

Ở đây, tôi sẽ hướng dẫn bạn việc này bằng Ahrefs.

Ở phần Site Explorer của Ahrefs, nhập domain của đối thủ mà bạn muốn kiểm tra vào.

Ở trang Overview, Ahrefs sẽ cung cấp cho bạn một vài chỉ số quan trọng, nếu bạn chưa biết về công cụ này, hãy tham khảo bài “Hướng dẫn sử dụng Ahrefs” mà chúng tôi đã xuất bản trước đó.

Hãy nhìn vào 2 thông số quan trọng là BacklinksReferring domains, website này nhận được 5.49K backlink và chúng đến từ 612 domain khác nhau.

Hay nhấp vào số 5.49K ở phần Backlinks, bạn sẽ nhận được danh sách thống kê các backlink này đến từ các bài viết nào …

… hay nhấp vào con số 612 của phần Referring domains, bạn sẽ nhận được danh sách các website đã trỏ backlink về website này.

Ngoài việc kiểm tra xem đối thủ bạn đã đi những backlink nào, số lượng ra sao, bạn còn có thể thu thập các domain mà đối thủ đã đặt backlink về, bổ sung vào danh sách website sẽ đặt backlink của bạn.

Bây giờ, chỉ cần tải danh sách này về và chọn lọc lại mà thôi.

Hãy phân tích ít nhất 5 – 10 đối thủ hàng đầu của bạn.

Bước 2: Lựa chọn loại backlink phù hợp

Sau khi có được danh sách các backlink cần đi, hãy chọn lọc lại theo các tiêu chí mà tôi đã có nêu ở trên như: cùng chủ đề với website của bạn, đáp ứng các chỉ số, … mà bạn có thể triển khai.

Nếu ngân sách của bạn kha khá, thì có thể triển khai thêm Press Release hoặc xây dựng thêm PBN hay các website nổi tiếng khác. 

Nếu ngân sách của bạn hạn chế, hãy tập trung khai thác các nguồn backlink miễn phí hoặc chi phí thấp trước, như:

  • Backlink Profile
  • Web 2.0
  • Blog Comment
  • Diễn đàn
  • Các webiste cùng chủ đề

Bước 3: Lập kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn 

Ở bước này, bạn cần xác định rõ ràng, những loại backlink nào bạn có thể triển khai, loại backlink nào nên triển khai trước, loại nào sau.

Nhiều website bị phạt bởi thuật toán Google Penguin là do đi link không có sự kiểm soát và vô tội vạ.

Bạn phải hiểu một vấn đề rằng, số backlink bạn đi website phải tương ứng với số lượng nội dung bạn sản xuất ra, cũng như tốc độ phát triển tự nhiên của nó. 

Nếu có một động thái nào quá mức và đột ngột diễn ra, bạn sẽ khiến cho bot của các công cụ tìm kiếm “để mắt” đến và “soi” kỹ hơn.

Tôi sẽ gợi ý đến bạn một kế hoạch đi backlink trong vòng 6 tháng cho một website mới hoàn toàn:

Giai đoạn 1: Tháng đầu tiên của website

Ở giai đoạn đầu của một website, bạn đừng quá vội đi quá nhiều backlink “mạnh”, mà hay tập trung vào xây dựng nền tảng trước đã.

Chúng ta chia làm 2 giai đoạn nhỏ:

15 ngày đầu tiên

Hãy triển khai bộ backlink social profile, trỏ backlink về website của bạn, đồng thời liên kết các profile đó lại với nhau.

Loại backlink này được “ví von” góp phần xây dựng nền móng của một website, chúng rất tốt, giúp định danh và xác thực website của bạn đến với người dùng, cũng như công cụ tìm kiếm. 

Bạn có thể sử dụng các công cụ hỗ trợ, giúp các tài khoản social profile được index nhanh hơn như: Instantlinkindexer, Googleping, Pingler, … giúp Google xác thực nhanh hơn và các backlink này cũng phát huy tác dụng nhanh hơn.

Song song đó, để tiết kiệm thời gian, bạn có thể tạo các tài khoản tại các diễn đàn có cùng chủ đề với website hoặc bắt đầu tạo các web 2.0.

Từ ngày 16 trở đi

Đối với backlink social profile, bạn hãy chọn ra từ 10 – 20 social nổi tiếng và có lượng người dùng lớn, chăm sóc chúng bằng cách chia sẻ những bài viết hay trên website của bạn. Đây là cách tạo tín hiệu rất tốt.

Bạn có thể nghiên cứu thêm các công cụ như Buffer hoặc IFTTT, Hootsuite, … mà tôi có giới thiệu ở phần trên, để giảm tải bớt phần công việc này.

Đối với Web 2.0, hãy chăm sóc chúng như một money site của bạn. Thực sự, bạn cũng không cần quá nhiều nội dung cho các blog này, chỉ cần từ 20 – 30 bài cho mỗi blog.

Hãy nghiên cứu những từ khóa thật ngách, cực dễ để triển khai. Sau đó liên kết nội bộ trong cùng một blog với nhau và cả liên kết lẫn nhau giữa các blog. Cuối cùng là khai thác backlink về website của bạn.

Còn đối với Forum, thời gian đầu, bạn không cần quá vội khai thác backlink. Hãy tích cực đóng góp bằng cách tạo ra nội dung, comment tự nhiên, … để nâng cấp “level” tài khoản của bạn lên.

Sau một thời gian, từ những nội dung bạn đã đóng góp trước đó, hãy khai thác backlink về website của mình, hoặc đi comment ở những chủ đề liên quan và dẫn backlink về.

Tuy nhiên, hãy làm sao cho tinh tế nhất có thể, đừng quá PR hay spam, nếu không bạn sẽ bị admin của diễn đàn khóa tài khoản đấy.

Bạn cũng không cần đặt quá nhiều thời gian vào các diễn đàn, hãy sắp xếp khoảng 1 giờ mỗi ngày và khoảng 1 – 2 ngày mỗi tuần là đủ.

Giai đoạn 2: Tháng thứ 2 – 3 của website

Bắt đầu tháng thứ 2 trở đi, bạn sẽ có rất nhiều việc để làm hơn.

Thứ nhất: Hãy tiếp tục các công việc ở tháng đầu tiên như:

  • Chia sẻ nội dung lên các trang mạng xã hội
  • Chăm sóc và khai thác backlink từ các Web 2.0
  • Chăm sóc, đóng góp vào diễn đàn cùng chủ đề.

Thứ hai: Sau khi tác dụng của các backlink social profile đã phát huy, bạn nên bắt đầu khai thác các loại backlink mới như:

  • Blog Comment
  • Backlink Wikipedia
  • … và trao đổi backlink với một vài website cùng chủ đề tương xứng website của bạn.

Giai đoạn 3: Từ tháng thứ 4 trở đi

Ở giai đoạn này, thông thường cấu trúc onpage cũng như nội dung của bạn cũng đã ở một mức độ ổn định và các backlink bạn đi trước đó cũng đã “ngấm”.

Khi “nền móng” đã vững vàng, bạn có thể triển khai thêm các loại backlink khác “mạnh” hơn tùy vào ngân sách của bạn.

Nếu bạn có một ngân sách dồi dào, hãy bắt đầu với việc mua backlink ở các website có cùng chủ đề chất lượng tốt hơn và đừng ngần ngại với các đầu báo lớn hoặc thậm chí là xây dựng PBN.

Bạn có thể tiết kiệm thời gian hơn bằng cách săn domain, phục dựng PBN vào tháng thứ 1 luôn (nếu bạn có đủ thời gian cho việc này). Sau đó chăm sóc thêm cho chúng trong vòng 1 – 3 tháng, để chúng có thể phục hồi lại sức mạnh. Và đến tháng thứ 4, 5 trở đi là bạn có thể khai thác mà không phải chờ đợi gì nữa.

Ngược lại, bạn có thể, tiếp tục triển khai các link miễn phí ở trên như:

  • Tiếp tục “cào” thêm website và tạo backlink social profile ( tôi đã hướng dẫn bạn cách tìm thêm website đặt backlink ở bước 1)
  • Tiếp tục chia sẻ nội dung lên các mạng xã hội.
  • Khai thác từ Web 2.0 và diễn đàn.
  • Tìm thêm blog comment
  • Triển khai thêm loại backlink .gov hoặc .edu.

Hãy nhớ rằng, nếu bạn nghiêm túc vào website, doanh nghiệp của mình, bạn nên đầu tư 1 khoảng chi phí nhất định, vì các backlink miễn phí đều có sức mạnh và số lượng có hạn.

Và bạn cũng có thể thấy, đối thủ của bạn đã triển khai như thế nào ở bước nghiên cứu, nếu bạn muốn vượt qua họ, hãy cố gắng đầu tư.

Việc có một kế hoạch rõ ràng và thứ tự triển khai các loại backlink rất quan trọng, nếu bạn nắm vững được thì sẽ dễ thúc đẩy từ khóa và tổng thể website tốt hơn. 

Còn đối với website đã trên 6 tháng, hãy kiểm tra xem có loại backlink nào mà bạn chưa triển khai hay không? Hãy dành thêm thời gian nghiên cứu lại đối thủ và không ngừng tìm thêm nguồn website có thể đặt backlink.

Bạn có thể tham khảo file kế hoạch mà tôi đính kèm ở đây.

Bước 4: Thực thi và cập nhật

Hãy đảm bảo rằng bạn thực hiện đúng theo những gì mà bạn đã lên kế hoạch. 

Đồng thời, hãy tham gia vào các cộng đồng bán backlink, có thể bạn sẽ tìm được nhiều website tốt ở đây, và thêm chúng vào danh sách của bạn.

Lưu ý, khi tiến hành đi backlink hãy đa dạng anchor text của bạn, không nên lúc nào cũng đi anchor text là từ khóa chính xác. Hãy cân đối phù hợp làm sao cho cảm giác được tự nhiên nhất có thể.

Bước 5: Đo lường và theo dõi

Để biết được chất lượng của backlink và tín hiệu quả của nó thì bạn cần có sự đo lường.

Cũng nên lập 1 file đo lường ghi lại ngày đi backlink, vị trí từ khóa hiện tại trước và sau khi đi. Bạn có thể sử dụng các công cụ để tự động hóa việc này, tuy nhiên tại thời điểm hay ngày bạn đặt backlink, các công cụ có thể chưa quét được ngay.

Vì thế, bạn nên lập một file theo dõi cho riêng mình, bạn có thể xem file mẫu của tôi ở đây.

Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng các công cụ có sẵn để hỗ trợ cho việc này.

1. Google Search Console

Google Search Console sẽ cung cấp cho bạn các dữ liệu về lưu lượng truy cập của website và hiệu suất tổng thể, … và nhiều thông số khác, trong đó có thông số External Link.

Nó hoàn toàn miễn phí, bạn chỉ cần đăng kí và xác minh quyền sở hữu website của bạn là xong.

Sau khi đăng nhập, hãy bấm chọn Link (hoặc Liên kết)

Ở cột External Link (hay Liên kết bên ngoài), bạn sẽ nhận được 3 báo cáo:

  • Top linked pages (Các trang đươc liên kết hàng đầu): Các trang được liên kết nhiều nhất trên website của bạn.
  • Top linking sites (Các website liên kết hàng đầu): Các website có nhiều backlink nhất đến website của bạn.
  • Top linking text (Văn bản liên kết hàng đầu): Các anchor text được sử dụng thường xuyên nhất khi liên kết đến website của bạn.

Nếu bạn mới sử dụng Search Console, hãy bắt đầu với báo cáo Các trang được liên kết hàng đầu.

Sau đó nhấp vào bất kỳ URL nào để xem các website liên kết đến một trang cụ thể.

Sau đó nhấp vào bất kỳ website nào để xem trang nào liên kết đến trang đó.

2. Kiểm tra backlink bằng Ahrefs

Nếu Ahrefs cho phép bạn kiểm tra backlink của các website khác, thì hiển nhiên bạn cũng có thể tự kiểm tra website mình.

Như tôi đã giới thiệu qua ở bước 1 rồi đấy, bạn chỉ cần nhập domain hoặc URL muốn kiểm tra vào Site Explorer của Ahrefs, sau đó xem các thông số tại BacklinksReferring domains hoặc chi tiết hơn.

Bạn có thể bắt đầu từ Referring domains

Tại cột Links to target, ở mỗi domain bạn nhấn chọn mũi tên xổ xuống, bạn sẽ nhận:

  • Website của bạn được nhận tổng cộng bao nhiêu backlink từ website này.
  • Từ những trang nào, với anhchor text là gì và về URL đích nào của website bạn.

Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng một công cụ check backlink miễn phí cũng của Ahrefs đó là Ahrefs’ free backlink checker.

Chỉ cần nhập tên miền hoặc URL và nhấn Check backlinks.

Bạn sẽ thấy tổng số BacklinksReferring domains.

Để xem 5 anchor text được sử dụng thường xuyên nhất, hãy kiểm tra tab Top 5 anchors.

Hoặc Top 5 pages để xem 5 trang nhận được backlink nhiều nhất

3. Các công cụ hỗ trợ kiểm tra backlink khác

Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ khác để kiểm tra backlink, việc này thì tùy vào việc bạn thích sử dụng công cụ nào hơn thôi.

Tôi cũng gợi ý một vài công cụ khác, như:

  • Semrush
  • Majestic
  • Add-on Nofollow: Cho phép kiểm tra link dofollow hay nofollow.

Kết luận

Như vậy là tôi đã vừa trình bày qua các vấn đề xoay quanh backlink và quy trình đi backlink cho một dự án SEO.

Bây giờ bạn đã biết khi nào nên triển backlink nào hay cách chọn backlink phù hợp với website của bạn hoặc làm sao để triển khai backlink khi bạn không có quá nhiều ngân sách chưa?

Tóm lại, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Cân nhắc kỹ khi chọn backlink dựa theo các tiêu chí có sẵn.
  • Backlink chỉ có tác dụng khi nội dung và onpage của bạn đủ tốt.
  • Backlink được xem là một “phiếu bầu” tới website của bạn, hãy làm sao cho “phiếu bầu” của bạn được tự nhiên nhất có thể.
  • Đa dạng hóa anchor text của bạn.
  • Luôn có một quy trình và kế hoạch triển khai rõ ràng.
  • Hạn chế đặt backlink ở những website không liên quan và tuyệt đối không đặt ở web đen hoặc uy tín thấp.

Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thể biết được cần làm gì để tối ưu backlink cho website của mình, đồng thời có thể lên được một kế hoạch đi backlink cụ thể.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc hay góp ý gì, có thể để lại bình luận bên dưới.

Tài liệu tham khảo

Now we know: Here are Google’s top 3 search ranking factors

https://searchengineland.com/now-know-googles-top-three-search-ranking-factors-245882

The PageRank Citation Ranking: Bringing Order to the Web.

http://ilpubs.stanford.edu:8090/422/

How to Build Backlinks in Less Than 1 Hour

https://neilpatel.com/blog/new-backlink-feature/

What is a Backlink? How to Get More Backlinks

https://ahrefs.com/blog/what-are-backlinks/
Photo of author

Bài viết của

Hòa Lê

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

1 bình luận về “Backlink là gì? Hướng dẫn xây dựng backlink hiệu quả từ A – Z”

Viết một bình luận