Cách viết bài review sản phẩm hay & chuyển đổi cao (Template mẫu và ví dụ)

Loại bài review sản phẩm là chiến lược nội dung chủ yếu khi bạn xây dựng blog cá nhân hay authority site để kiếm tiền với affiliate marketing, hôm nay chúng ta cùng phân tích xem các yếu tố nào tạo nên 1 bài review hay và mang lại chuyển đổi tốt cho website của bạn.

Theo BrightLocal, có tới 82% người tiêu dùng đọc review trước khi đưa ra quyết định mua hàng và tôi cũng nghĩ rằng bạn đã từng vài lần tham khảo ý kiến của người khác về sản phẩm bạn muốn mua.

Bạn có nhận thấy là phần lớn các bài review hiện nay trên internet nằm ở 2 dạng sau không?

  1. Khen ngợi quá đà: nhằm bán hàng thông qua link affiliate hoặc được tài trợ từ chính nhãn hàng. (Người mới hay mắc phải sai lầm này)
  2. Bôi nhọ, dìm hàng tả tơi: Đây những trường hợp bạn có trải nghiệm không tốt với sản phẩm hoặc cũng có thể vì mục đích chơi xấu sản phẩm của đối thủ.

Cả 2 trường hợp trên đều không đưa ra được nhận định khách quan, chính xác và hữu ích nhất cho người dùng, và tất nhiên sẽ không thể mang lại chuyển đổi tốt cho website của bạn.

Ngay cả khi bạn đang xếp hạng cao trên Google với những bài review được viết theo cách trên, thì nó cũng không tạo ra được doanh thu bền vững.

Lý do là người đọc sẽ không có sự tin tưởng vào nội dung mà bạn cung cấp.

Trong bản cập nhật về các nguyên tắc của bài review sản phẩm vào 04/2021, Google nói rằng:

Bạn phải cung cấp cho người dùng những nội dung có phân tích sâu sắc và nghiên cứu kỹ lưỡng, được viết bởi chuyên gia hoặc những người đam mê và hiểu rõ chủ đề này.

Như vậy, bài review hay là phải dựa trên sự nghiên cứu và kiến thức về sản phẩm, đánh giá được ưu và nhược điểm của sản phẩm đó, đồng thời chỉ rõ sản phẩm phù hợp với đối tượng nào.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc xây dựng hệ thống website kiếm tiền với affiliate marketing, tôi sẽ chia sẻ cho bạn 9 bước để viết bài review hay.

Quy trình và kỹ thuật bạn học được ở đây có thể áp dụng cho bất cứ sản phẩm nào từ sản phẩm số, sản phẩm vật lý, sản phẩm làm affiliate thậm chí là sản phẩm của riêng bạn.

Bắt đầu nhé.

9 bước để viết bài review sản phẩm hay

  1. Tạo box tóm tắt nhanh
  2. Đồng cảm với người đọc
  3. Sản phẩm này phù hợp với ai?
  4. Giới thiệu tổng quan giải pháp của sản phẩm
  5. Giải thích các tính năng và lợi ích của sản phẩm
  6. Đưa ra ý kiến bên thứ 3.
  7. Sản phẩm tương đương có thể thay thế.
  8. Nhận định cuối cùng
  9. Trình bày đẹp mắt

1. Tạo box tóm tắt nhanh

Bạn có thể thấy các box tóm tắt nhanh hiển thị đầu tiên ở các bài review trong các website do Action Digital phát triển, đây là phần mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao nhất của chúng tôi.

Tại đây người đọc có thể thấy ngay được cái họ cần. Bạn nên đưa ra nhận định cuối cùng của bạn về tính năng nổi bật của sản phẩm và nó phù hợp với đối tượng nào.

Box tóm tắt này có 2 nhiệm vụ chính

  • Thu hút sự chú ý của những người chỉ đọc lướt qua để quyết định mua hàng
  • Tóm tắt nhận định của bạn, tạo CTA để người đọc click nhanh vào link affiliate.

Một box tóm tắt nhanh phải gồm 5 yếu tố sau

  1. Xác định mục đích của sản phẩm (thường được thể hiện ở tiêu đề)
  2. Tóm tắt nhận định của bạn, cố gắng chỉ trong 1-2 đoạn văn.
  3. Xếp hạng sản phẩm dưới dạng chấm điểm (từ 1 sao đến 5 sao)
  4. Các nút CTA để người đọc dễ dàng click vào link affiliate
  5. Ưu và nhược điểm của sản phẩm. Phải đưa ra những nhược điểm để cho thấy bạn không thiên vị.

Đây là box tóm tắt tiêu chuẩn, tuỳ vào loại hình sản phẩm và dịch vụ mà bạn có thể tuỳ biến phù hợp. Bạn có thể sử dụng plugin GenerateBlocks để làm box tóm tắt này.

2. Đồng cảm với người đọc

Khi ai đó mua hàng, không phải vì họ thích các tính năng hay ho trong sản phẩm, họ mua vì sản phẩm đó GIẢI QUYẾT được vấn đề của họ, mang lại lợi ích gì đó cho họ.

Những gì họ muốn đọc là cách sản phẩm đó sẽ giải quyết vấn đề của họ như thế nào.

Họ hoàn toàn không muốn nghe bạn quảng cáo sản phẩm này làm được việc A, việc B. Cái họ muốn là xem là cách sản phẩm đó giải quyết các vấn đề trên thực tế.

Vì vậy, bạn cần đặt mình vào vị trí người mua, đồng cảm với các vấn đề họ đang tìm kiếm.

Lưu ý quan trọng: Chúng ta không phải đang quảng cáo, chúng ta đang review, đưa ra nhận định cá nhân.

Cách để đồng cảm với người đọc

  • Văn phong thân thiện: Sử dụng văn phong ngôi thứ nhất (tôi, mình, tớ,…) với phong cách trò chuyện đơn giản và gần gũi. Bạn đang đóng vai trò như một người bạn để hướng dẫn người đọc giải quyết các vấn đề của họ.
  • Chia sẻ vấn đề của bạn: Trước khi bạn đề cập đến sản phẩm, hãy nói về vấn đề của bạn gặp phải và cách sản phẩm đã giải quyết vấn đề đó. Hãy thử kể một câu chuyện về cuộc sống của bạn trước và sau khi bạn sử dụng sản phẩm.
  • Gây áp lực lên nỗi đau: Đặt những câu hỏi tu từ (ví dụ: “bạn có cảm thấy mình đang lãng phí thời gian trên facebook không?”) để thu hút người đọc và khiến họ đồng cảm với hoàn cảnh của bạn.
  • Hãy là một con người thật: Mọi người sẽ dễ đồng cảm với một người thật hơn là với một thương hiệu. Gọi người đọc là “bạn” và sử dụng các hoàn cảnh thực tế để thu hút người đọc.

Mục tiêu của bạn trong vài đoạn đầu tiên là cho người đọc biết rằng bạn chỉ là một người tiêu dùng bình thường như họ và bài review này là trải nghiệm cá nhân của bạn khi sử dụng sản phẩm đó.

Cùng xem 1 ví dụ thực tế.

Trong bài review sản phẩm này, tác giả đã khéo léo đặt bản thân mình vào tình huống bị mụn và thâm nhiều do thức khuya, nếu bạn đang tìm kiếm về sản phẩm trị mụn, có thể bạn sẽ có cảm giác: “Ồ, bạn này bị giống mình.”

Hay 1 ví dụ khác tương tự.

Bằng cách tạo sự đồng cảm và tin tưởng từ người đọc, đây là kết quả của 1 website chúng tôi làm affiliate tại thị trường Việt Nam chỉ với 40 bài review sản phẩm.

Thống kê từ ngày 1/10/2021 đến 19/10/2021

Rõ ràng là với cách tiếp cận như thế này, bạn sẽ không còn là ai đó xa lạ trong mắt người đọc, bạn và họ có chung 1 nỗi đau (pain point)

Người đọc sẽ ở lại trên bài review lâu hơn để xem câu chuyện cuối cùng sẽ như thế nào, và dĩ nhiên tỷ lệ chuyển đổi cũng như doanh thu của bạn sẽ cao hơn.

3. Sản phẩm này phù hợp với ai?

Rất nhiều bài review đều bỏ qua phần này, họ viết review dành cho tất cả mọi người, kể cả những người không phù hợp với sản phẩm.

Việc này gây lãng phí thời gian của cả bạn và người đọc. Do đó, bước thứ ba khi viết bài review là xác định rõ khách hàng mục tiêu của sản phẩm.

Bạn phải xác định rõ ràng rằng sản phẩm này sẽ phù hợp cho ai và không phù hợp cho đối tượng nào.

Ví dụ ở bài review này, tác giả đã chỉ rõ cây bút này chỉ phù hợp cho đối tượng là doanh nhân, cần thể hiện sự sang trọng khi ký giấy tờ với đối tác.

Việc này sẽ giúp bạn có thêm lòng tin nơi người đọc, họ hiểu rằng bạn không chỉ phải làm mọi cách để họ mua hàng mà là bạn đang tìm ra sản phẩm phù hợp nhất đáp ứng được nhu cầu riêng của họ.

4. Giới thiệu tổng quan giải pháp của sản phẩm

Bây giờ thì người đọc đã biết những vấn đề của họ và đã ít nhiều có sự tin tưởng vào bạn.

Bạn hãy mô tả ngắn gọn về sản phẩm, lời hứa hoặc cam kết của sản phẩm và những phụ kiện đi kèm khi mua hàng.

Để tăng thêm tính khách quan, cũng nên so sánh nó nhanh với sản phẩm đang dẫn đầu thị trường và các phiên bản trước của nó.

Ví dụ như:

Chuột Logitech ABC là phiên bản nâng cấp của Logitech DEF, sở hữu công nghệ độc quyền XYZ giúp cho các game thủ thao tác chính xác tới từng pixel.

Điểm đáng giá chính trong phiên bản nâng cấp này là cải thiện về độ nhạy và mang thiết kế độc đáo với vẻ ngoài hầm hố,…

Bạn liệt kê ra danh sách ngắn về ưu điểm, nhược điểm của sản phẩm, kèm theo hình ảnh thực tế (có thể là hình đập hộp sản phẩm để tăng thêm độ tin tưởng)

Ngoài ra, cũng có thể giới thiệu thêm về công ty sản xuất như lịch sử hình thành, các giải thưởng, tốc độ tăng trưởng,…

5. Giải thích các tính năng và lợi ích của sản phẩm

Đây là phần quan trọng nhất của bài review. Nhà sản xuất hầu hết chỉ quảng cáo các tính năng và lợi ích ở dạng danh sách ngắn.

Bạn phải làm rõ các tính năng này ra, nó có tốt, thuận tiện và thực tế như những gì nhà sản xuất quảng cáo hay không.

Đây là lúc bạn trình bày cảm nhận cá nhân trên thực tế về những thứ như: các tính năng chính của sản phẩm, giải thích cách nó hoạt động, nêu cảm nhận và tại sao tính năng này lại quan trọng (nó mang lại lợi ích gì và nó giúp giải quyết vấn đề của bạn như thế nào)

Cách tạo cảm nhận cá nhân thực tế

Xin nhắc lại là phải cảm nhận cá nhân thực tế, mặc dù bạn có “review tưởng tượng” thì cũng phải trình bày như là cảm nhận thực tế của riêng bạn bằng cách tham khảo thật nhiều các trải nghiệm thực tế của người khác.

Để dễ dàng bắt đầu, bạn làm theo 3 bước như sau

  1. Liệt kê tính năng nổi bật: Đây là những tính năng mà người đọc quan tâm nhất. Việc họ quyết định mua sản phẩm hay không sẽ phụ thuộc vào mức độ hoạt động của các tính năng này.
  2. Cách các tính năng nổi bật hoạt động: Hướng dẫn bằng video hoặc hình ảnh để hiển thị cách sản phẩm thực sự hoạt động.
  3. Kết quả thực tế: Bạn đưa ra các kết quả thực tế nhờ sử dụng sản phẩm.

Ví dụ tương ứng với mỗi chức năng nổi bật bạn có thể viết như sau

Máy xay sinh tố này có chức năng tự làm sạch nên mình không cần phải tháo ra cọ rửa như những chiếc máy trước, mình chỉ cần đổ nước sạch vào và bấm nút tự vệ sinh, thế là xong.

(kèm hình ảnh thực tế trước và sau)

Đây là điểm mình hài lòng nhất vì mình rất ngại phải lau chùi lỉnh kỉnh mỗi lần sử dụng.

6. Đưa ra ý kiến bên thứ 3.

Đây là phần trụ cột tiếp theo để bài review của bạn thuyết phục hơn.

Bằng cách đưa ra các ý kiến, đánh giá của những người đã sử dụng sản phẩm này trên thực tế, những gì sản phẩm mang lại cho họ.

Bạn có thể tìm thấy các đánh giá này trên các website TMĐT, các nhóm Facebook, diễn đàn,…Bạn chụp ảnh màn hình từ 3-5 người dùng chia sẻ về hành trình sử dụng sản phẩm của họ.

Hay của 1 người dùng khác

Nếu sản phẩm có các chuyên gia hay người nổi tiếng sử dụng, thì bạn cũng nên tận dụng đưa vào bài viết của mình để tăng tính thuyết phục.

7. Sản phẩm tương đương có thể thay thế.

Liệt kê ra 1 hoặc 2 sản phẩm có chức năng và lợi ích tương đương. Việc làm này sẽ giúp bạn 2 việc

  • Khách quan: Thể hiện sự công bằng khi bạn review, không thiên vị sản phẩm nào.
  • Tăng doanh thu: Nếu người đọc không thích sản phẩm đang review, họ có thể sẽ thích sản phẩm thay thế.

Đưa ra các lựa chọn thay thế rất đơn giản. Bạn chỉ cần đưa vào một phần có tiêu đề “Sản phẩm thay thế” hoặc “Đối thủ cạnh tranh”.

Bạn viết 1-2 đoạn văn ngắn nói về sự khác biệt của sản phẩm thay thế so với sản phẩm chính đang review (giá cả, tính năng, lợi ích,…) và phù hợp cho ai.

Hãy nhớ kèm theo CTA để người đọc có thể click vào link affiliate của bạn.

8. Nhận định cuối cùng

Đây là phần kết luận của bài review, tại phần này bạn hãy nhắc lại vấn đề mà sản phẩm giải quyết.

Bạn đưa ra vài lý do tại sao sản phẩm này phù hợp để giải quyết vấn đề đó. Nếu sản phẩm không giải quyết được triệt để vấn đề thì hãy đề cập lại sản phẩm thay thế cho người đọc.

Thêm câu cuối gọi mọi người tương tác, bình luận với bài review của bạn, chia sẻ nhận định của họ,…

9. Trình bày đẹp mắt

Ở phần trên, bạn đã có 1 nội dung review thuyết phục và khách quan. Bây giờ bạn định dạng cách trình bày sao cho trực quan, dễ hiểu và phù hợp để tác động đến người đọc tối đa.

Hãy sử dụng 1 số nguyên tắc sau

1. Sử dụng hình ảnh thực tế

Hãy sử dụng nhiều hình ảnh minh hoạ trong bài viết, nhưng luôn nhớ là sử dụng hình ảnh thực tế, không phải hình ảnh lấy từ website của nhà sản xuất hoặc hình ảnh stockphoto.

Bạn có thể tham khảo thêm bài hướng dẫn SEO hình ảnh để tăng organic traffic.

Cố gắng chèn 1 hình ảnh minh hoạ vào sau mỗi 3-4 đoạn văn, điều này giúp cho bài review của bạn sinh động và chân thật hơn rất nhiều.

2. Chia nội dung thành các heading phụ

Nội dung review hay thôi chưa đủ, bạn phải làm cho nội dung dễ đọc và điều hướng tốt.

Bạn hãy chia nhỏ nội dung thành các phần riêng biệt bằng các thẻ heading phụ như H2, H3, H4,..việc làm này cũng giúp tối ưu SEO Onpage trên website của bạn.

3. Xếp hạng dưới dạng sao

Hãy sử dụng xếp hạng từ 1-5 sao hoặc 1-10 sao trong các bài review của bạn, giúp người đọc sẽ ngầm hiểu được nhận định tổng quan của bạn.

Hay đây là 1 ví dụ khác.

Bạn cũng nên nói rõ nguyên tắc xếp hạng của bạn trong trang Giới thiệu hoặc Nguyên tắc biên tập trên website.

4. Sử dụng cột và table

Nếu bạn đưa ra so sánh như ưu và nhược điểm thì bạn nên đặt chúng thành các cột riêng biệt.

Sử dụng thẻ <table> để trình bày các thuộc tính của sản phẩm

Đây là cách đơn giản và trực quan để người đọc có thể nhìn được tổng quan về sản phẩm

5. Sử dụng nhiều CTA

Cuối cùng, sử dụng nhiều CTA trong suốt bài review của mình. Tốt nhất là bạn nên có 3 CTA chia đều ở đầu bài, giữa bài và cuối bài.

CTA phải nổi bật, rõ ràng và dễ click để có thể gây sự chú ý cho người đọc.

Văn bản trong CTA cũng phải đơn giản, dễ hiểu và tránh ngôn ngữ “bán hàng”. Đừng sử dụng những từ như “Mua Ngay” hay “Đặt Hàng Ngay“, thay vào đó bạn nên sử dụng “Click xem giá“, “Xem thêm“, “Đăng ký dùng thử“,…

Hãy trở thành 1 reviewer thực sự.

Bài review là 1 dạng bài khó viết. Những bài review trung thực, không thiên vị, đặt lợi ích của người đọc lên trên lợi ích của bạn chính là vũ khí giúp bạn thành công với affiliate.

Tôi xin nhắc lại lần nữa: Bài review không phải để quảng cáo.

Người dùng đã thấy rất nhiều quảng cáo ở khắp nơi rồi. Cái họ cần là 1 người có thể phân tích, hướng dẫn, giúp họ lựa chọn được sản phẩm phù hợp nhất. Bạn hãy cung cấp giá trị hữu ích cho người đọc, họ sẽ cảm ơn bạn bằng cách mua hàng qua link affiliate của bạn.

Và cuối cùng, hãy trình bày rõ ràng, định dạng dễ đọc, đó là sự khác biệt giữa bài review không ai đọc và bài của bạn.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết và hy vọng có ích cho bạn.

Hẹn gặp lại ở những bài viết sau! 👋

Tài liệu tham khảo

How To Write A Product Review That Sells Without Making Your Site Look Cheesy (Template & Examples You Can Follow)

https://www.authorityhacker.com/how-to-write-product-reviews-that-sell/

What creators should know about Google’s product reviews update

https://developers.google.com/search/blog/2021/04/product-reviews-update

A Simple Product Review Template (That You Can Steal)

https://getlasso.co/product-review-template/

How to Write a Product Review: a Step-by-Step Guide (With Examples)

https://solobuildit.com/blog/write-product-reviews-1/

The Simple Product Review Template That SELLS in 2021

https://affilimate.com/blog/product-review-template/
Photo of author

Bài viết của

Lê Tấn Tịnh

Tôi thích nghiên cứu về SEO và phát triển hệ thống website, có thể scale up lên hàng loạt. Tôi muốn chia sẻ các kiến thức của tôi trong quá trình làm việc với SEO cho bạn tại Action Digital.

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

Viết một bình luận