Featured Snippets: Cách tối ưu nội dung để tăng Organic Traffic từ Google

Nếu bạn để ý thì trong những năm qua, Google đã ngày càng thêm nhiều thông tin vào trang kết quả tìm kiếm, khiến cho nó có vẻ ngày càng “chật chội” hơn.

Trang kết quả của Google hiện có rất nhiều thứ không chỉ là các liên kết đơn thuần. Featured Snippets là thứ đầu tiên mà mọi người nhìn thấy khi tìm kiếm 1 cụm từ nào đó.

Bạn có muốn nhảy lên vị trí đầu tiên trong trang kết quả của Google mà không cần nhiều backlink hoặc chỉnh sửa nội dung quá nhiều không?

Giải pháp là: Featured Snippets hay còn gọi là Đoạn Trích Nổi Bật, Top 0 (vì nó nằm trên Top 1)

Trong bài viết này, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách tối ưu nội dung để hiển thị Featured Snippets, giúp bạn có thể nhận được nhiều organic traffic từ Google hơn.

Hãy bắt đầu bắt cách tìm hiểu về Featured Snipppets.

Featured Snippets là gì?

Featrured Snippets hay còn gọi là Đoạn Trích Nổi Bật là đoạn văn bản ngắn, xuất hiện đầu trên kết quả tìm kiếm Google để trả lời nhanh cho truy vấn của người tìm kiếm.

Hãy xem ví dụ sau:

Đoạn nội dung này được Google lấy ra một cách tự động để trả lời nhanh cho truy vấn “ô che mưa loại tốt”

Có thể bạn tự hỏi rằng, nếu người tìm kiếm đã có được câu trả lời ngay trên trang kết quả của Google thì họ đâu cần click chuột vào website chúng ta nữa?

Điều này có mang lại lợi ích gì cho chúng ta không?

Câu trả lời là cả KHÔNG được giải thích ngay sau đây

Tại sao Featured Snippets quan trọng?

Featured Snippets tác động đến SEO theo 2 cách.

Một là, bạn có cơ hội nhận được nhiều organic traffic hơn mà không cần phải nằm ở vị trí xếp hạng thật cao của Google (chỉ cần bạn nằm trong top 10)

Theo một nghiên cứu của Ahrefs, họ đã phân tích 2 triệu featured snippets và nhận thấy rằng kết quả đầu tiên (top 1) bị giảm tỷ lệ click chuột đáng kể khi có featured snippets.

Nếu không có featured snippets, top 1 nhận được tỷ lệ click chuột là 26%.

Khi có featured snippets thì chỉ nhận được tỷ lệ click chuột 19,6% và featured snippets chiếm 8,6%.

Giả sử bạn có từ khoá nào đó được xếp hạng top 5 hoặc top 6 thì số lượng click chuột bạn nhận được rất ít, nhưng nếu bạn có thể đưa nội dung của mình vào featured snippets, bạn có thể tăng số click chuột vào website của mình lên đáng kể.

Gần đây chúng tôi được xếp hạng featured snippet cho từ khoá này

Theo báo cáo từ Google Search Console, CTR cho trang đó là 15,5%

Thứ hai, Featured snippets làm tăng số lượng “tìm kiếm không cần click chuột”. Nói cách khác, người dùng không cần nhấp vào bất kỳ kết quả tìm kiếm nào.

Lý do là vì feartured snippets đã cung cấp câu trả lời mà người dùng đang tìm kiếm.

Đây là một ví dụ

Vì vậy, trước khi bạn quyết định một từ khóa cụ thể, bạn cần lưu ý là kết quả tìm kiếm có featured snippets hay không.

Cũng theo nghiên cứu trên của Ahrefs, các từ khoá có featured snippets sẽ nhận được ít click chuột hơn so với không có.

Thực ra, không có gì ngạc nhiên vì mục tiêu của featured snippets là cung cấp câu trả lời ngay lập tức cho câu hỏi của người tìm kiếm mà không cần phải click vào kết quả.

Nhưng điều này không có nghĩa là bạn loại bỏ từ khóa nào đó nếu nó có featured snippets.

Theo báo cáo của SEMrush thì chỉ có 5.94% truy vấn tìm kiếm hiển thị featured snippets (Số liệu cập nhật tháng 8/2021)

Số liệu sẽ rất khác nhau đối với những từ khoá cụ thể, featured snippets không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến CTR hay click/volume của một truy vấn nào đó.

Vì vậy, xem xét thêm về đối thủ cạnh tranh, volume search của từ khoá trong quá trình nghiên cứu từ khoá của bạn để đưa ra quyết định

Phân loại Featured Snippets

Có 3 loại featured snippets chính thường xuyên xuất hiện nhất trong kết quả tìm kiếm của Google là dạng định nghĩa, danh sáchbảng.

Loại 1: Dạng định nghĩa

Đây là một đoạn văn bản để cung cấp cho người tìm kiếm một định nghĩa hoặc mô tả trực tiếp, ngắn gọn.

Ví dụ: khi bạn tìm kiếm “mụn trứng cá là gì”, có một hộp định nghĩa ở đầu kết quả.

Loại định nghĩa thường được Google sử dụng để trả lời các truy vấn “là gì”.

Như bạn thấy, câu trả lời được Google chọn có xu hướng rất ngắn gọn, dễ hiểu và đúng trọng tâm câu hỏi.

Loại 2: Dạng danh sách

Ở dạng danh sách, lại được phân thành 2 loại nhỏ là có thứ tự và không có thứ tự

Danh sách có thứ tự: Đây là danh sách được trình bày theo một thứ tự cụ thể. Google có xu hướng sử dụng danh sách có thứ tự cho các truy vấn cần một loạt các bước.

Danh sách không theo thứ tự: Đây là cách Google trình bày một danh sách kết quả không theo thứ tự cụ thể nào, không theo tiêu chí, không theo xếp hạng, nó chỉ là một danh sách đơn giản.

Loại 3: Dạng bảng

Đây là nơi Google lấy dữ liệu từ một trang và hiển thị nó dưới dạng bảng.

Cách tìm từ khoá có thể hiển thị Featured Snippets

Google Search Console không hiển thị bất kỳ thông tin nào liên quan đến featured snippets.

Bạn sẽ phải sử dụng các công cụ của bên thứ ba như Ahrefs hay SEMRush để phân tích. Tôi thực sự là big fan của Ahrefs và tôi sẽ hướng dẫn bạn phân tích trên công cụ này với website lamdieu.com.

Bạn nhập domain vào Site Explore, đi đến Organic Keywords, chọn SERP features như hình, sau đó lọc ra các từ khoá có hiển thị featured snippets trên Google.

Có hơn 16,248 từ khoá có thể có featured snippets, quá nhiều để phân tích nên tôi sẽ dọn dẹp một chút.

Như tôi đã trình bày ở phần trên, từ khoá của bạn phải nằm trong top 10 mới đủ điều kiện để hiển thị trên featured snippets. (có tới 99.58% featured snippets được lấy từ top 10 của Google)

Vì vậy tôi chỉ lọc các từ khoá trong trang kết quả đầu tiên.

Bây giờ tôi chỉ còn 814 từ khoá ở top 10 và đủ điều kiện hiển thị featured snippets.

Tôi Export danh sách này ra file để lọc theo các URL có featured snippets. Sau khi dọn dẹp một số cột, tôi sẽ có được danh sách như thế này

Tôi nhận ra rằng, các từ khoá có chứa các truy vấn sau đây có khả năng cao được hiển thị trên featured snippets

  • Cách làm
  • Cách để
  • làm thế nào
  • là gì/cái gì/ăn gì/uống gì/… gì
  • tốt nhất
  • loại nào tốt
  • mua ở đâu
  • có tốt không
  • top
  • list
  • danh sách

Vì vậy, hãy chú ý đến các từ khoá có cấu trúc xung quanh những truy vấn này.

Ngoài ra, bất kỳ từ khóa nào có search intent (ý định tìm kiếm, mục đích tìm kiếm) là định nghĩa cũng đều có khả năng hiển thị featured snippets.

Bạn cũng có thể dùng Site Explorer của Ahrefs để phân tích tương tự với đối thủ cạnh tranh hoặc các website lớn để tìm thêm ý tưởng cho các từ khoá mà họ có featured snippets

Nếu bạn đang trong quá trình nghiên cứu từ khoá để xuất bản nội dung mới hay tối ưu lại nội dung hiện có thì bạn cũng có thể dùng chức năng SERP features để tìm các từ khoá có khả năng hiển thị featured snippets như hình sau

Cuối cùng, bạn hãy tiếp tục và tìm kiếm thêm ý tưởng cho các từ khóa mới cũng như các truy vấn về câu hỏi, về bản chất là các câu hỏi có nhiều khả năng đủ điều kiện cho featured snippets nhất.

Cách tối ưu nội dung để hiển thị Featured snippets

Đến đây thì bạn đã có 1 danh sách gồm từ khoá, URL, Volume,…đã được dọn dẹp gọn gàng.

Mục tiêu bây giờ là tối ưu hóa nội dung của bạn để Google lấy nó làm featured snippets.

Hầu như tất cả chúng ta đều biết Google xếp hạng 10 kết quả đầu bằng cách sử dụng các thuật toán phức tạp của riêng họ. Từ 10 kết quả hàng đầu đó, Google cần một câu trả lời ngắn và chính xác nhất để trả lời cho truy vấn của người dùng.

Như vậy, trong nội dung của bạn, hãy cung cấp một câu trả lời mà Google có thể nhận ra và lấy ngay nó làm featured snippets.

Dưới đây là cách làm.

1. Tối ưu theo cấu trúc và ngữ nghĩa

Google sẽ xem xét các từ đơn giản, từ khóa, cấu trúc ngữ nghĩa, độ dài và thành phần văn bản để phù hợp với featured snippets.

Tôi thấy rằng có 2 yếu tố sau sẽ tác động đến việc Google sẽ lựa chọn nội dung nào để hiển thị feature snippets

  • Định dạng, cấu trúc nội dung
  • Ngữ nghĩa của nội dung

Vậy định dạng, cấu trúc nội dung là như thế nào?

Cấu trúc nội dung phổ biến là từ khoá chính xác được đặt trong thẻ heading (h2,h3 hoặc h4), tổng cộng khoảng 40-60 từ hoặc khoảng 250-300 ký tự và 1 hình ảnh, nguồn trích dẫn nếu có.

Hãy cùng xem một số ví dụ, khi bạn search từ khoá: “bột canh là gì”

Xem nội dung thực tế của bài viết, để đối chiếu thông tin.

Bạn có thể thấy, Google chỉ trích xuất các nội dung hiện có ra featured snippets, Google cực kỳ thích dữ liệu có cấu trúc rõ ràng. (Bạn có thể tham khảo thêm bài hướng dẫn SEO hình ảnh)

Dữ liệu có cấu trúc rõ ràng có nghĩa là bạn có một cấu trúc HTML vững chắc, có ý nghĩa logic. Cấu trúc sẽ cho Google biết những thứ như “đây là một bức ảnh, đây là tiêu đề, đây là câu trả lời”.

Google cũng đã công bố tài liệu về dữ liệu có cấu trúc khá chi tiết, bạn có thể truy cập vào đây để đọc thêm.

Cấu trúc chính là CHÌA KHOÁ để đưa nội dung bạn vào featured snippets. Nội dung của bạn càng giống với cấu trúc featured snippets thì Google càng dễ dàng để hiểu hơn.

Tiếp theo, cùng phân tích về ngữ nghĩa nội dung.

Google sử dụng hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing, viết tắt là NLP), có thể nhận dạng ra các từ đồng nghĩa, ngữ nghĩa, ngữ cảnh,…

Tôi lấy 1 ví dụ thực tế với truy vấn “review cushion lime”.

Google cho rằng mục đích tìm kiếm của người dùng là muốn xem ý kiến của người khác về cushion lime.

Bạn có thể thấy rõ ràng trong featured snippet không hề nhắc đến truy vấn chính xác review cushion line, nhưng Googlebot có thể hiểu được ngữ cảnh của đoạn văn này để trả lời cho truy vấn.

Xem nội dung thực tế để so sánh.

Google ngày nay đã thực sự rất thông minh, nó có thể hiểu toàn bộ nội dung ngữ cảnh.

Điều này có nghĩa là bạn không cần phải cố “nhồi nhét” các từ khoá chính xác vào nội dung mới có thể hiển thị được featured snippets.

Bạn nên trình bày nội dung theo định dạng dễ đọc, cấu trúc rõ ràng và đưa ra câu trả lời 40-60 từ đơn giản nhất, tự nhiên nhất như đang nói với một học sinh tiểu học.

Đối với featured snippets dạng bảng, Google cũng chỉ trích xuất các bảng có sẵn trong nội dung chứ không thu thập dữ liệu từ các thành phần khác nhau trên nội dung và trình bày lại dưới dạng bảng.

Cách trình bày các bảng này tùy thuộc vào website của bạn. Nhưng nói chung, miễn là HTML của bạn sử dụng thẻ <tr> để trình bày dữ liệu trong bảng, thì Google sẽ dễ dàng “đọc” bảng của bạn và đưa nó lên featured snippets.

Đối với dạng danh sách, bạn bố trí nội dung thành các bước cụ thể hoặc danh sách các mục được trình bày theo cách mà Google có thể dễ dàng hiểu được.

Hãy liệt kê các mục hoặc các bước của bạn trở nên rõ ràng với Google, bạn thậm chí có thể bao gồm văn bản như “Bước 1” hoặc “1.” trong mỗi tiêu đề phụ. Đây là một ví dụ:

Bạn cần ghi nhớ tính nhất quán của nội dung. Nếu bạn trình bày bước số 1 là “Bước 1: Thực hiện X”, thì đừng trình bày bước thứ 2 là: “Bước #2: Thực hiện Y”.

Thay vào đó, hãy trình bày các bước của bạn như sau: Bước 1, Bước 2, Bước 3… hoặc 1., 2., 3…

Cá nhân tôi thích “Bước 1” hơn “1.” vì người dùng dễ theo dõi hơn. Nhưng Google có thể hiểu cả hai.

Ví dụ, bạn có thể xem bài viết Các bước trang điểm cơ bản cho da dầu này.

Mỗi bước trong quy trình sử dụng cùng một định dạng (“Bước 1”, “Bước 2”,…).

Chúng tôi cũng đặt mỗi bước trong thẻ h3.

Với mỗi truy vấn đủ điều kiện hiển thị featured snippets như trong file Excel hoặc Google Sheets bạn đã có ở phần trên, hãy suy nghĩ cách tốt nhất để trả lời câu hỏi đó.

Câu trả lời đó có thể là một danh sách, các hướng dẫn được gạch đầu dòng. Cũng có thể một vài đoạn văn hoặc một video hướng dẫn trên YouTube.

Hãy tự hỏi mình, cấu trúc phổ biến nhất của một câu trả lời như vậy trong ngôn ngữ tự nhiên là gì. Đó là dạng chủ động hay bị động, sử dụng động từ, danh từ hay tính từ,…

2. Tối ưu thêm các từ khoá dài

Theo Ahrefs, phần lớn các Featured Snippets hiển thị khi mọi người tìm kiếm các từ khóa dài.

Họ đã nghiên cứu 2 triệu từ khoá có featured snippets, và phát hiện ra rằng các từ khoá có volume search nhỏ hơn 100 chiếm tới 85.5% trên tổng số.

Theo kết quả trên, thì ngoài từ khoá chính bạn cũng nên tập trung vào tìm kiếm thêm các từ khoá dài, các từ khoá biến thể, các câu hỏi để tối ưu hiển thị featured snippets.

Nếu 1 trang nào đó có “trust” cao, nó có thể xếp hạng được hàng trăm thậm chí hàng nghìn featured snippets.

Bạn có thể xem bài viết này, nó có tới 1780 featured snippets.

Để được như vậy, bạn hãy thêm nhiều định nghĩa, danh sách, và các định dạng khác mà Google thích đưa vào featured snippets trên trang của bạn.

Bạn có thể thấy trên Làm Điệu, chúng tôi luôn sử dụng các câu hỏi ở phần FAQs, đây là một tip để gia tăng featured snippets mà chúng tôi đang áp dụng.

Vậy làm thế nào tìm ra từ khoá dài để tối ưu featured snippets?

Tôi sẽ gợi ý 2 cách:

Cách 1: Tìm ở hộp “People Also Ask” (Mọi người cũng hỏi) trên trang kết quả tìm kiếm.

Ví dụ tôi tìm kiếm với truy vấn “ielts online test”, bạn sẽ thấy 1 hộp tên là Mọi người cùng hỏi như sau

Đây là những câu hỏi mà Google cho là có liên quan mật thiết đến từ khóa tôi vừa tìm kiếm.

Thực tế là gần đây tôi rất ít gặp các từ khoá có hộp “People Also Ask” ở Google Việt Nam.

Vì vậy tôi thường sử dụng cách thứ 2 hơn, đó là tìm trên Ahrefs.

Cách 2: Tìm câu hỏi là từ khoá dài trên Ahrefs

Bạn vào Keyword Explorer, nhập từ khoá chính vào, sau đó sử dụng bộ lọc QuestionsSERP features để tìm ra các câu hỏi có khả năng hiển thị featured snippets liên quan đến từ khoá của bạn.

Tiếp tục quá trình để tìm kiếm được bộ từ khoá dài phù hợp, sau đó viết câu trả lời cho câu hỏi đó, chèn vào hộp FAQs.

Cũng bằng cách này, bạn có thể xem tất cả các từ khoá hiển thị featured snippets tại Việt Nam, bằng cách bỏ trống ô từ khoá.

Để lọc cụ thể hơn, bạn có thể sử dụng các cụm từ xuất hiện nhiều trên featured snippets như phần đầu tôi đã giới thiệu. (như “cách làm”, “là gì”, “bao nhiêu”,…)

Cuối cùng, bạn lướt qua danh sách và xem từ khoá nào phù hợp với website hoặc lĩnh vực của bạn thì lưu lại, trả lời câu hỏi đó trong bài viết theo hướng dẫn tối ưu cấu trúc và ngữ nghĩa phía trên.

Tóm lại là

Google là công ty quảng cáo.

Google luôn muốn giữ chân người dùng trên website của họ để tăng doanh thu, chứ không phải click qua website của bạn (tất nhiên trừ trường hợp bạn đang dùng Google Ads, tức là bạn đang mua quảng cáo)

Vì vậy, featured snippets sẽ làm giảm số lượng click chuột hơn cho mỗi tìm kiếm. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc website có ít traffic từ Google hơn.

Có 3 điều sau bạn cần phải nhớ về Featured Snippets

  • Featured Snippets giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc để có organic traffic từ Google mà không cần phải xếp hạng quá cao.
  • Xác định được từ khoá có khả năng hiển thị featured snippets là vô cùng quan trọng.
  • Tối ưu hóa phần câu hỏi và câu trả lời trong nội dung, trình bày theo cấu trúc rõ ràng, chú ý độ dài và ngữ nghĩa, thêm thẻ heading (H1, H2,…)

Nếu bạn áp dụng các chiến thuật mà tôi đã đề cập trong bài này, bạn có thể kiếm được một lượng organic traffic khá lớn từ các website đang chiếm top 1 cho các từ khóa có volume cao.

Cuối cùng, bạn đã tối ưu hóa cho các featured snippets chưa? Hãy để lại những trải nghiệm của bạn hoặc có bất cứ câu hỏi nào, đừng ngần ngại cho tôi biết nhé.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này, hy vọng nó hữu ích cho bạn.

Tài liệu tham khảo

How To Get Featured Snippets: The Data Backed Guide

https://www.authorityhacker.com/featured-snippets/

How to Optimize for Google’s Featured Snippets

https://ahrefs.com/blog/find-featured-snippets/
Photo of author

Bài viết của

Lê Tấn Tịnh

Tôi thích nghiên cứu về SEO và phát triển hệ thống website, có thể scale up lên hàng loạt. Tôi muốn chia sẻ các kiến thức của tôi trong quá trình làm việc với SEO cho bạn tại Action Digital.

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

Viết một bình luận