GetResponse: Hướng dẫn sử dụng từng bước cho người mới (Giao diện 2024)

Getresponse là 1 công cụ gởi email marketing đa năng nhất trên thị trường, linh hoạt và dễ sử dụng dành cho người mới, có thể giúp bạn tạo ra những chiến dịch email tự động cực kỳ đơn giản theo những kịch bản có sẵn cùng với bộ tính năng đồ sộ như: landing page, webinar, form, chat, website builder,…

GetResponse là gì?

GetResponse là gì?

GetResponse là công cụ email marketing xuất hiện đầu tiên vào năm 1997 với các chức năng cơ bản như

  • Tạo email list
  • Gởi email đến subscribers trong email list
  • Tự động hóa bằng autoresponders

Trong vài năm gần đây, GetResponse tập trung nhiều hơn vào các giải pháp All-in-one và e-commerce, không còn chỉ là 1 công cụ gởi email thông thường.

Theo đó, GetResponse bổ sung thêm các chức năng như website builder, chat, webinar, landing page và cả sales funnels.

Ưu điểm

  • Có gói miễn phí trọn đời
  • Tích hợp rất nhiều tính năng
  • Tính năng Webinar thực sự rất ấn tượng
  • Nhiều template mẫu.
  • Trực quan và rất dễ sử dụng.
  • Hỗ trợ nhanh qua Livechat.
  • Hỗ trợ Tiếng Việt.

Nhược điểm

  • Khả năng phân phối email chưa thực sự cao.
  • Tự động hóa chỉ có ở các gói trả phí.
  • Giao diện kéo thả hơi rắc rối.

Đăng ký GetResponse

Tất nhiên rồi, đầu tiên bạn phải đăng ký tài khoản GetResponse, hiện có 5 lựa chọn.

Đăng ký GetResponse
  • Miễn phí: Cho phép bạn sử dụng phiên bản rút gọn của Getresponse miễn phí trọn đời với tối đa 500 subscribers
  • Basic: Gói này có giá 15$/tháng, gởi số lượng email không giới hạn cho 1000 subscribers
  • Plus: $49/tháng cho 1000 subscribers
  • Professional: $99/tháng cho 1000 subscribers
  • Max: Gói này dành cho doanh nghiệp lớn có nhu cầu sử dụng nhiều, GetResponse sẽ báo giá riêng

Khi bạn có càng nhiều subscriber thì chi phí sẽ càng tăng lên, điều này phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng và tình hình phát triển kinh doanh của bạn.

Hướng dẫn sử dụng GetResponse

Trong phần này, tôi sẽ hướng dẫn chi tiết 2 chức năng cơ bản của GetResponse là gởi mail newsletters và cấu hình gởi mail tự động (Autoresponders) để bạn có thể sử dụng ngay một cách đơn giản nhất.

Bước 1: Xác thực tên miền và thêm email gởi đi

Bạn nên sử dụng email theo tên miền đã xác thực DKIM để tăng tỷ lệ gởi email thành công.

Việc xác thực DKIM sẽ đảm bảo email của bạn được gởi đi và domain của GetResponse không hiển thị bên cạnh thông tin người gởi, giúp cho email của bạn trông chuyên nghiệp hơn.

Bạn cần có quyền chỉnh sửa TXT Record của tên miền làm theo hướng dẫn này của GetResponse để xác nhận DKIM Key

GetResponse không khuyến khích sử dụng các dịch vụ mail miễn phí như Gmail hay Hotmail bởi vì bạn không thể xác thực được DKIM Key nên tỷ lệ mail vào mục thư rác/spam sẽ cao, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ gởi mail thành công cũng như uy tín của người gởi.

Để thêm email gởi đi, bạn vào Account > Email addresses > Add email.

Sau đó bạn đăng nhập vào email vừa thêm và click vào link xác nhận từ GetResponse.

Khi xác nhận xong, bạn có thể chọn email mới thêm vào làm mặc định để GetResponse sẽ dùng email đó gởi đi trong các chiến dịch sau này.

Như vậy bạn đã thêm thành công email gởi đi và xác nhận DKIM Key cho tên miền.

Bạn có thể thêm nhiều email cho nhiều mục đích khác nhau, tùy vào nhu cầu sử dụng.

Bước 2: Tạo và cấu hình email list trên GetResponse

Khi người dùng đăng ký thì email của họ sẽ nằm trong email list.

Bạn có thể tạo không giới hạn email list cho nhiều mục đích khác nhau như danh sách nhận ebook, nhận mã giảm giá,… bằng cách click vào nút Create list

Sau khi tạo email list, bạn click vào dấu 3 chấm, chọn Settings để thay đổi các cấu hình mặc định

Phần Settings của mỗi email list sẽ có 3 tabs là: General, SubscriptionConfirmation message, chi tiết cấu hình các tab này như sau

General

Đây là phần cài đặt tổng quan của List, bạn xem hình bên dưới

Subscription

Tôi sẽ gợi ý cho bạn các cấu hình cơ bản tab subscription như sau

  • Send subscription notifications: Bật tùy chọn này để nhận được email mỗi khi có ai đó đăng ký vào email list của bạn. Không nên bật
  • Require additional confirmation (double opt-in): Yêu cầu xác nhận 2 lần đề vào email list. Nên bật
  • Block subscriptions: Bật chức năng này nếu như bạn không dùng HTML forms để đăng ký, ngăn chặn bot spam vào email list của bạn. Nên bật
  • Confirmation page: Đây là trang mà subscriber của bạn sẽ thấy sau khi họ xác nhận đăng ký vào email list, có thể sử dụng trang mặc định của GetResponse hoặc dùng trang xác nhận của bạn bằng cách tick chọn vào Custom URL và điền URL của bạn. Ví dụ: https://www.actiondigital.vn/thanks/
  • Index in search engines: Bật tùy chọn này nếu bạn muốn email list được index bởi công cụ tìm kiếm. Không nên bật

Confirmation message

Đây là phần bạn có thể cấu hình nội dung tin nhắn xác nhận cho subcriber.

Bạn click vào Save confirmation message để lưu lại cài đặt của list.

Sau này khi tạo list mới mà muốn copy các cài đặt của list cũ thì chỉ cần click vào Copy existing list settings và chọn tên list cần copy cài đặt.

Bước 3: Thêm email vào list

Để thêm email vào list, bạn vào List, click vào Add Contact

Tại đây bạn có thể thêm email vào list bằng cách nhập thủ công từng email với 2 trường tối thiểu là NameEmail address và tick vào I have permission to add this person to my list

Nếu bạn có sẵn email list và muốn import hàng loạt vô GetResponse thì bạn tick chọn Upload a file, use an external service, or paste rows

GetResponse có 4 lựa chọn để bạn import danh sách email

  • Upload file: Tải lên file .csv, .txt, .xlsx,..
  • Connect service: Kết nối tới 1 số dịch vụ như Google Docs, Google Contacts,…
  • Paste from file: Copy và paste nhiều email cùng lúc
  • Migrate list: Bạn có thể di chuyển list email từ các dịch vụ mail khác như ActiveCampaign, MailChimp, AWeber, Constant Contact.

Bước 4: Tạo và gửi chiến dịch email đầu tiên

Ở phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn tạo và gởi chiến dịch email marketing đầu tiên của mình với 2 chức năng cơ bản nhất của GetResponse.

  • Newsletters: là những chiến dịch email bạn gởi 1 lần, thường được sử dụng cho các chương trình khuyến mãi, thông báo, hoặc cập nhật bài viết mới trên blog của bạn.
  • Autoresponders: là 1 chuỗi email được soạn sẵn theo 1 kịch bản nào đó, sẽ được tự động gởi đi theo cấu hình riêng của bạn.

Newsletters

Để tạo Newsletter, bạn click vào menu Create => Create Newsletters

Các cấu hình cơ bản khi gởi Newsletters mời bạn xem hình dưới

Nếu bạn bật chức năng Perfect timing thì GetResponse sẽ tự tìm hiểu thời gian người dùng thường mở mail ở thời điểm nào trong ngày, họ sẽ gởi vào khung thời gian đó để tăng tỷ lệ mở mail cho bạn. Nên bật chức năng khá hay ho này.

Phần Design and Content là nơi bạn thiết kế và soạn nội dung để gởi email, bạn có thể chọn các template được thiết kế sẵn hoặc tạo template mới tùy vào nhu cầu sử dụng của bạn.

Nếu muốn tạo template của riêng bạn, bấm vào Blank templates, sau đó bạn tự do thiết kế nội dung email.

Lời khuyên của tôi là bạn nên thiết kế email đơn giản nhất có thể, không nên chèn quá nhiều hình ảnh hoặc link vào email, tỷ lệ mail rơi vào tab Spam hoặc Promotion trên Gmail là rất cao.

Email càng lung linh, rực rỡ thì càng dễ bị vào spam. Hãy gởi mail 1 cách bình thường như mọi người gởi cho nhau.

Sau khi thiết kế nội dung email ứng ý, bạn click vào Send test message để xem trước nội dung mail gởi đi sẽ trông như thế nào.

Nếu mọi thứ đã ổn áp, bạn click Next = > Send message để gởi mail.

Bạn có tiếp 60s để dừng lại để chỉnh sửa nếu nhỡ như có sai sót gì ở đâu đó.

Autoresponders

Đây là chức năng tự động gởi email theo 1 kịch bản có sẵn mà hầu như công cụ email marketing nào cũng có.

Ví dụ tôi chạy 1 chiến dịch email marketing để thu hút học viên đăng ký khóa học luyện thi IELTS 7.0, tôi sử dụng kịch bản gởi mail tự động đơn giản như sau.

  • Tôi thiết kế 1 landing page để giới thiệu về ebook lộ trình đạt 7.0 IELTS dành cho người mới, người dùng cần phải nhập email để download.
  • Ngay sau khi người dùng để đăng ký vào email list, tôi gởi email đầu tiên là link download ebook.
  • 3 ngày sau, tôi gởi email thứ 2 với nội dung hỏi người dùng đã đọc xong ebook chưa, có gì thắc mắc có thể liên hệ lại với tôi.
  • 7 ngày sau, tôi gởi email thứ 3 với ưu đãi giảm 30% học phí cho khóa học IELTS, cam kết đạt 7.0 IELTS bằng văn bản.

Tôi dùng chức năng Autoresponders để tự động tạo ra chuỗi 3 email tự động gởi theo kịch bản trên.

Đầu tiên tôi click vào Create => Create Autoresponders để tạo email tự động trả lời

Ở phần Autoresponder settings, tôi cấu hình On day là 0 và chọn Same time as a signup time để gởi mail ngay lập tức sau khi người dùng đăng ký vào email list

Trong đó

  • On day là sẽ gởi email sau X ngày.
  • Same time as a signup time: là gởi cùng lúc với thời gian người dùng đăng ký
  • With a delay of: gởi sau đó X giờ.
  • Exactly at: gởi chính xác vào giờ cố định nào đó

Tôi tạo tiếp email tự động thứ 2 và thứ 3 với cấu hình On day lần lượt là 3 và 7 để hoàn thành chuỗi kịch bản.

Khá đơn giản phải không nào, nếu bạn vẫn chưa cấu hình được email trả lời tự động thì hãy comment phía dưới nhé, tôi sẽ hỗ trợ bạn.

Có rất nhiều kịch bản hay ho mang lại hiệu quả bất ngờ mà Autoresponder có thể làm được. Tất cả phụ thuộc vào khả năng sáng tạo của bạn.

Các chức năng khác của GetResponse

GetResponse hướng tới là 1 công cụ All-in-one nên họ tích hợp rất nhiều tính năng hỗ trợ được toàn bộ hoạt động marketing của 1 doanh nghiệp nhỏ từ tạo website, landing page đến webinar, automation hay funnel,…

Landing page

GetResponse hỗ trợ tạo landing page đơn giản với hơn 200 mẫu có sẵn ở nhiều lĩnh vực rất tương đối tiện lợi cho người mới.

Bạn có thể chọn mẫu nào mình ưng ý, vào chỉnh sửa lại thông tin với tính năng kéo thả hoặc tạo mẫu landing page cho riêng mình.

Các landing page đều hỗ trợ các tính năng cần thiết như tương thích với thiết bị di động, tích hợp được với Google Analytics, Google Tag Manager, Facebook Pixel, theo dõi được click chuột, tỷ lệ chuyển đổi, hỗ trợ sử dụng tên miền riêng,…

Tuy nhiên tôi thường sử dụng các công cụ tạo landing page chuyên dụng hơn, có thể tích hợp trong website như

Đánh giá: Chức năng tạo landing page của GetResponse rất thuận tiện cho người mới để dễ dàng tạo được landing page tương đối ngon lành, đặc biệt là bạn có thể sử dụng miễn phí trọn đời.

Form

GetResponse cũng hỗ trợ thư viện form có sẵn để thu thập email, bạn cũng có thể tự tạo form cho riêng mình rất đơn giản.

Các tính năng khác của GetResponse Form

  • Hỗ trợ popup và lightbox (đặc biệt có thể hiện popup khi người dùng có ý định thoát trang)
  • Tích hợp với Facebook, WordPress dễ dàng

Việc sử dụng form một cách khéo léo và hợp lý có thể tăng đáng kể số lượng email subscribers, giữ chân người đọc lâu hơn, tăng tỷ lệ chuyển đổi,…

Các plugins tạo form nổi tiếng có thể tích hợp với GetResponse

Đánh giá: Tuy chỉ là 1 tính năng trong gói miễn phí vĩnh viễn, nhưng GetResponse Form cũng hỗ trợ đầy đủ các chức năng của 1 công cụ tạo Form chuyên dụng, phù hợp khi sử dụng chung với landing page tôi đã nói phía trên.

Webinar

Cho đến nay, GetResponse là nền tảng email marketing duy nhất có tích hợp webinar.

Nhờ được hỗ trợ từ nhiều chức năng khác của GetResponse nên thậm chí webinar còn hoạt động hiệu quả và đơn giản hơn các nền tảng webinar chuyên dụng khác.

Để tạo webinar, bạn cần cài đặt các thông tin cơ bản như URL, ngày giờ và thời lượng diễn ra.

Bạn cũng có thể dùng webinar để thu thập danh sách email và chỉ định email list để đưa họ vào.

Sau khi lưu lại hết các cài đặt, bạn đã có 1 đường link webinar để mọi người có thể tham gia.

Lúc này, bạn có thể tạo landing page, form đăng ký để mọi người đăng ký tham gia webinar, sử dụng thêm chức năng autoresponders để tạo ra các kịch bản cho người đăng ký như nhắc nhở thời gian diễn ra, nhận tài liệu sau webinar,..

Bạn có thể thấy các tính năng của GetResponse đã hỗ trợ rất tốt với nhau, tất cả trong 1 nền tảng.

Ngoài ra, webinar cũng hỗ trợ bạn tương tác trực tiếp với người tham gia như đặt câu hỏi, trả lời, trò chuyện và 1 số tính năng xịn xò khác không kém các công cụ chuyên dụng như Zoom hay Google Meet như

  • Quay lại video
  • Chia sẻ màn hình
  • Các báo cáo về thời gian, thiết bị, vị trí của người tham dự.
Đánh giá: Webinar là tính năng bổ sung rất hay của GetReponse, có thể giúp bạn tạo webinar và thu thập danh sách email 1 cách đơn giản nhất.

Marketing Automation

Ngoài các email tự động trả lời với tính năng Autoresponders đã nói ở trên thì GetResponse cũng có tính năng phức tạp hơn có thể giúp bạn sắp xếp chuỗi email tự động, đó là Marketing Automation.

Tính năng này giúp bạn tạo quy trình tự động bằng cách hướng dẫn GetResponse phải làm gì tiếp theo nếu người dùng mở email, nhấp vào link cụ thể nào đó,…

Marketing Automation của GetResponse có thể giúp bạn xây dựng hành trình của người dùng cực kỳ phức tạp bằng cách kéo – thả.

Về cơ bản, marketing automation hoạt động dựa vào 2 yếu tố: Điều kiện (condition) và Hành động (action)

Ví dụ: khi khách mua hàng (điều kiện) thì bạn sẽ kích hoạt một email (hành động), có thể là một email chào mừng. Bạn có thể tách tiếp các điều kiện đối với nhóm đã mở email, nhóm click vào link,…

Tính năng này sẽ giúp bạn cá nhân hóa hành trình của người dùng rất sâu, giúp bạn hiểu đúng insight hơn.

Mời bạn xem qua video giải thích về tính năng marketing automation của GetResponse để có cái nhìn tổng quan hơn.

Đánh giá: Đây là tính năng cực kỳ hay của GetResponse, có thể hơi phức tạp nếu bạn mới làm quen, nhưng khi đã thành thạo thì bạn có thể tự xây dựng 1 hành trình người dùng cực sâu và chuẩn, tạo tra chuỗi email tự động và các nhân hóa từng email gởi đi.

Conversion funnel

Conversion funnel (Phễu chuyển đổi) là chức năng mới của GetResponse giúp bạn kết hợp các tính năng riêng lẻ lại với nhau.

Đầu tiên bạn phải xác định mục tiêu phễu của bạn là gì? Bạn muốn tăng email list, bán 1 sản phẩm gì đó hay muốn quảng cáo cho webinar sắp tới.

Nếu bạn muốn xây dựng email list, GetResponse có gợi ý các lead magnet cho bạn.

Bạn có thể tự tạo lead magnet của mình bằng cách click vào Add lead magnet.

Ở bước tiếp theo, GetResponse cho bạn biết những gì bạn cần phải làm để hoàn thành phễu

Nhiệm vụ của bạn bây giờ là xử lý từng bước trong phễu như: tạo ra trang đăng ký, trang download,…và bắt đầu chạy chiến dịch.

Đánh giá: Tôi thích tính năng này vì tôi có thể thiết kế toàn bộ các bước trong phễu ở cùng 1 nơi, tất cả đều theo dõi được các số liệu thống kê quan trọng.

Paid Ads

GetResponse tích hợp Facebook Ads và Google Ads ngay trong nền tảng của họ, giúp bạn có thể lên các chiến dịch quảng cáo và thu hút email đăng ký trong cùng 1 nền tảng.

Thực tế thì Google và Facebook đã có những công cụ hỗ trợ nhà quảng cáo phân tích và lên chiến dịch rất tốt, GetResponse chỉ là cung cấp thêm các mẫu quảng cáo, tự động cài đặt Facebook Pixel lên landing page cùng vài chức năng linh tinh khác.

Đánh giá: Tôi thấy 2 chức năng này hơi dư thừa, cũng chưa và không có ý định sử dụng. Tuy nhiên nó có thể thích hợp với người mới tiếp cận quảng cáo

Website Builder

Việc bổ sung thêm tính năng website builder cho thấy tham vọng trở thành 1 nền tảng “All-in-one” của GetResponse càng rõ ràng hơn.

Tuy bạn không thể tùy biến quá sâu và linh hoạt như tự xây dựng website riêng nhưng nếu bạn cần 1 website đơn giản, nhanh chóng, và miễn phí thì đây có thể là sự lựa chọn tốt.

Wizard AI của GetResponse sẽ giúp bạn tạo 1 website đơn giản hơn bao giờ hết, chỉ cần kéo thả hoặc chọn lựa từ những template có sẵn.

Live Web Chat

Để bật chức năng này, bạn chỉ cần chèn 1 đoạn code mà GetResponse cung cấp vô nơi bạn muốn hiển thị khung chat trên website của bạn.

Chức năng nhỏ này nếu sử dụng đúng cách và hợp lý có thể giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi và subcriber.

Nhưng bạn cũng cần lưu ý việc chèn các đoạn code vào website như thế sẽ làm giảm tốc độ tải trang, ảnh hưởng đến kết quả SEO tổng thể của website.

Lựa chọn thay thế GetResponse

Các giải pháp email marketing nổi tiếng cạnh tranh với GetResponse là AWeber, Mailchimp và Campaign Monitor.

AWeber có lẽ là công cụ cơ bản nhất trong số 3 công cụ được đề cập phía trên. Ưu điểm chính khi so với GetResponse là có hỗ trợ qua điện thoại.

Ngoại trừ webinar thì Mailchimp có toàn bộ tính năng tương tự như GetResponse, lợi thế chính của Mailchimp là nó có thể tích hợp dễ dàng hơn với các dịch vụ khác. Nhưng bù lại, Mailchimp lại có giá đắt hơn nhiều so với GetResponse.

Campaign Monitor là 1 dịch vụ khác có giá khá đắt, lợi thế của nó là có các template và giao diện người dùng rất thân thiện.

Kết luận

Với việc có quá nhiều tính năng, rõ ràng GetResponse hướng tới những người sử dụng cần 1 nền tảng “tất cả trong một”. Chính vì lý do đó nên các tính năng riêng lẻ chưa thực sự xuất sắc khi so sánh với các đối thủ cùng lĩnh vực.

Nếu bạn muốn sử dụng chuyên sâu về email marketing, quan tâm nhiều đến khả năng phân phối email thì GetResponse không phải là công cụ chuyên dụng tốt nhất trên thị trường.

Nhưng nếu bạn cần 1 công cụ thực sự dễ dùng, đa năng, có thể đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như làm landing page, website, webinar và email marketing thì rõ ràng GetResponse là lựa chọn rất phù hợp.

Tóm lại, GetResponse là 1 bộ công cụ đa năng, đơn giản và có mức giá rẻ nhất trên thị trường, đặc biệt họ còn có gói miễn phí trọn đời.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này, nếu có câu hỏi hay thắc mắc gì trong quá trình sử dụng GetResponse thì hãy comment phía dưới cho tôi biết nhé.

Tài liệu tham khảo

GetResponse Review — All the Pros and Cons

https://www.stylefactoryproductions.com/blog/getresponse-review

GetResponse Review: A Robust All-In-One Marketing Platform

https://startupbonsai.com/getresponse-review/

GetResponse Review 2021 – Is this the best tool for you?

https://www.emailvendorselection.com/getresponse-review/

GetResponse Review – A Perfect Email Marketing Tool for Marketer

https://sprout24.com/getresponse-review/
Photo of author

Bài viết của

Lê Tấn Tịnh

Tôi thích nghiên cứu về SEO và phát triển hệ thống website, có thể scale up lên hàng loạt. Tôi muốn chia sẻ các kiến thức của tôi trong quá trình làm việc với SEO cho bạn tại Action Digital.

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

Viết một bình luận