Cách tạo blog cá nhân để kiếm tiền bằng WordPress (Cập nhật 2024)

Nếu như bạn đã đọc bài viết cách kiếm tiền với affiliate marketing của tôi thì bạn sẽ thấy bước đầu tiên trong đó là xác định nền tảng, và nền tảng chúng tôi chọn là blog hoặc website.

Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi mò mẫm cách tạo blog là cách đây hơn 10 năm bằng mã nguồn mở Joomla. Với những hạn chế về công nghệ thời đó, tôi phải mất cả tháng trời mới xong 1 cái blog gọi là tàm tạm nếu không muốn nói là cùi bắp và mang nó đi khoe khắp buôn làng. 🤣

Nhưng bây giờ là năm 2024 rồi, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thì việc tạo 1 blog cá nhân trở nên cực kỳ dễ dàng, kể cả cho người không chuyên về công nghệ hay lập trình.

Tôi nghĩ rằng việc sở hữu cho mình 1 blog cá nhân là điều gì đó rất tự hào và phấn khích giống như cảm giác của tôi cách đây hơn 10 năm. (và tôi nghĩ bạn cũng vậy)

Với những kinh nghiệm của mình, tôi sẽ hướng dẫn bạn tất tần tật cách tạo blog cá nhân chuyên nghiệp dành cho người mới.

Tôi tin rằng nếu bạn nghiêm túc thực hành theo thì bạn sẽ có 1 blog chuyên nghiệp không thua kém bất cứ blog hay website nào hiện có trên internet cả.

Bắt đầu thôi!

Sự khác nhau giữa blog và website

Bạn có từng tự hỏi là giữa blog và website có khác gì nhau không? Tại sao lúc thì gọi là blog, lúc thì gọi là website?

Thực ra không có gì khác nhau cả.

Về bản chất thì blog là 1 dạng của website, chỉ khác nhau về cách gọi dựa vào nội dung được thể hiện trên website, blog sẽ mang tính cá nhân hóa hơn, mang phong cách của tác giả nhiều hơn.

Bạn chỉ có thể gọi tất cả blog là website, nhưng không thể gọi tất cả website là blog được.

Tôi lấy ví dụ

  • Lazada là website, không gọi là blog được.
  • Action Digital là blog, nhưng cũng có thể gọi là website.

Bạn hiểu ý này chứ?

Như vậy tạo blog cá nhân có khó không? Không biết gì nhiều về lập trình hay website có làm được không?

Hoàn toàn được. Thậm chí là rất đơn giản. 😝

Bạn chỉ cần bỏ ra 30 phút làm đúng theo những gì tôi hướng dẫn trong bài này là bạn đã có thể sở hữu cho mình 1 blog cá nhân chuyên nghiệp rồi.

(Bạn không nhìn lầm đâu, chỉ cần 30 phút)

7 bước tạo blog cá nhân để kiếm tiền bằng WordPress trong 2024

Toàn bộ quy trình tạo blog cá nhân có thể tóm gọn trong 7 bước đơn giản sau đây.

  • Bước 1: Chọn chủ đề của blog
  • Bước 2: Chọn nền tảng làm blog
  • Bước 3: Mua tên miền và hosting
  • Bước 4: Cách tạo blog bằng WordPress
  • Bước 5: Tùy chỉnh và thiết kế blog
  • Bước 6: Bài viết đầu tiên
  • Bước 7: Cài đặt các plugin cần thiết

Bước 1: Chọn chủ đề của blog

Bạn có thể tạo blog để viết nhảm nhí đủ thứ trên đời như hôm nay tôi buồn, hôm nay trời mưa,…hay bất cứ cái gì bạn thích.

Tin buồn là với những dạng nội dung như vậy, bạn sẽ không kiếm được tiền từ blog. 🤣

Để kiếm được tiền, bạn phải có chiến lược về nội dung rõ ràng, blog của bạn chỉ nên tập trung vào 1 chủ đề nhất định và viết nội dung thật chuyên sâu xoay quanh chủ đề đó, cung cấp cho người đọc những nội dung hữu ích, họ sẽ trả tiền “1 cách gián tiếp” cho bạn.

  • Nếu bạn thích chó mèo, hãy viết nội dung về chó mèo mà bạn nghĩ sẽ giúp ích được cho những người nuôi chó mèo.
  • Nếu bạn thích làm đẹp, hãy chia sẻ kiến thức về làm đẹp cho mọi người thông qua blog.
  • Nếu bạn là người thích cà phê, tại sao không làm blog để review về các loại cà phê ngon, các loại máy pha cà phê tốt?

Đừng biến blog của bạn thành 1 “nồi lẩu thập cẩm” với đủ thể loại trên đời, bạn sẽ không có được ấn tượng tốt với người đọc và cả Google nữa. Đây là sai lầm lớn của hầu hết các bạn mới bắt đầu, ngày xưa tôi cũng vậy.

Hãy tạo nét riêng của blog bằng 1 chủ đề bạn thực sự am hiểu hoặc yêu thích.

Để chọn được chủ đề cho blog phù hợp, mời bạn tham khảo thêm cách tìm thị trường ngách mà tôi đã chia sẻ trước đây.

Bước 2: Chọn nền tảng làm blog

Tiếp theo, bạn phải chọn được nền tảng để tạo blog của mình. Nền tảng ở đây là các CMS (Content Management System – hệ thống quản lý nội dung), tức là các ứng dụng hoặc phần mềm để giúp bạn xây dựng blog.

Hiện nay có nhiều nền tảng có thể giúp bạn tạo blog cá nhân rất đơn giản như là WordPress, Joomla, Blogger, Ghost,…

Theo thống kê từ Builtwith.com, WordPress là nền tảng được sử dụng để tạo blog nhiều nhất tại Mỹ (chiếm hơn 94%) và hơn 43% các website trên thế giới được xây dựng trên WordPress.

Tôi khuyên bạn nên chọn WordPress (với tên miền và hosting lưu trữ riêng) để bắt đầu tạo blog của mình vì tính linh hoạt, dễ dàng tùy biến, kho plugin và theme cực lớn vì cộng đồng người sử dụng rất đông đảo.

WordPress là mã nguồn mở và miễn phí, để cài đặt blog bạn chỉ cần mua tên miền riêng và hosting lưu trữ.

Bạn sẽ kiểm soát được 100% nội dung và thật sự sở hữu blog của riêng mình với chi phí đầu tư ban đầu chưa đến 1 triệu đồng/năm (chi phí này để mua tên miền + hosting).

⚠️ Có nên chọn các nền tảng làm blog miễn phí không?

Mặc dù bạn không tốn tiền mua tên miền, hosting nhưng các nền tảng tạo blog miễn phí như Blogger, Tumblr, Webflow có các hạn chế cực kỳ lớn như

  • Thứ nhất, blog của bạn sẽ phải sử dụng sub domain (như là blogcuatui.blogspot.com, blogcuatui.tumblr.com) nghe rất đầu đất và cùi bắp.
  • Thứ hai, blog của bạn sẽ bị hạn chế rất nhiều tính năng, không có toàn quyền chỉnh sửa blog.
  • Thứ ba, blog của bạn có thể bay màu bất cứ khi nào vì 1 lý do “trời ơi đất hỡi” nào đó.
  • Cuối cùng là bạn không phải chủ sở hữu nên bạn không thể bán được blog của mình.

Tóm lại là, nếu bạn nghiêm túc với việc tạo blog để kiếm tiền thì NÊN chọn WordPress với tên miền và hosting riêng vì đây mới thật sự là thuộc quyền sở hữu của bạn.

Bước 3: Mua tên miền và hosting

Ở bước 1 và 2 thì bạn đã chọn lựa xong chủ đề và nền tảng rồi, bây giờ bạn cần phải mua 2 cái bắt buộc là tên miềnhosting.

Có thể bạn sẽ cảm thấy hơi phức tạp và khó hiểu với 1 nùi thuật ngữ mới trong phần này, nhưng đừng lo, mọi thứ sẽ đơn giản hơn nhiều so với bạn nghĩ, chỉ cần theo dõi và thực hành theo từng bước là ổn.

Cần bao nhiêu tiền để tạo được 1 blog?

Để dễ hình dung số tiền bạn phải đầu tư ban đầu, dưới đây là bảng chi phí cơ bản nhất để có thể tạo 1 blog cá nhân với tên miền mua tại Namecheap và sử dụng gói hosting SSD của Azdigi.

Bạn cũng có thể tham khảo thêm gói hosting bên iNet, giá cũng tương đương với Azdigi.

Chi phí/năm
Tên miền200.000đ
Hosting500.000đ
Email theo tên miềnMiễn phí
Chứng chỉ SSLMiễn phí
Dung lượng1G SSD
Băng thôngKhông giới hạn
Tổng chi phí700.000đ

Mua tên miền

Tên miền là địa chỉ của blog, tên miền của bạn là duy nhất trên internet. Ví dụ actiondigital.vn, lamdieu.com, taichinhz.com,…

Các điều cần lưu ý khi chọn tên miền
  • Ngắn gọn, dễ nhớ, dễ phát âm (tối đa 3 âm tiết)
  • Tên miền không được gây hiểu lầm, sai chính tả
  • Tên miền không nên có dấu gạch nối
  • Luôn ưu tiên .com, nếu không còn .com thì mới chọn các đuôi tên miền khác như .vn hay .com.vn,…
Nơi mua tên miền uy tín
  • Tên miền Việt Nam: inet.vn (mua các tên miền có đuôi .vn, .com.vn,…)
  • Tên miền Quốc tế: Namecheap (mua các tên miền có đuôi là .com, .net, .org,..)

Sau khi bạn có ý tưởng về tên miền của mình, bạn chỉ cần click vào website của nhà đăng ký phía trên để mua tên miền. Vậy là xong.

Mua hosting

Sau khi mua xong tên miền ưng ý, bạn cần phải mua thêm hosting để bắt đầu cài đặt blog.

Có nhiều lựa chọn cho bạn, nếu bạn làm cho thị trường Việt Nam tôi khuyên bạn nên chọn Azdigi. (các blog của hệ thống Action Digital tại Việt Nam đều sử dụng hosting của Azdigi)

Click vào đây để đến trang đăng ký dịch vụ SSD Hosting của Azdigi. (Sử dụng mã giảm giá AZDIGIHELLO để giảm 15%)

Đối với người mới bắt đầu, bạn chỉ cần chọn gói thấp nhất là 29.000đ/tháng hoặc 45.000đ/tháng là ổn, sau này nếu blog bạn phát triển tốt hơn, có nhiều traffic hơn thì nâng cấp sau, không sao cả.

Bấm nào nút Đăng ký, bạn sẽ phải khai báo tên miền muốn sử dụng. Vì tên miền bạn đăng ký ở nhà cung cấp khác nên bạn chọn dòng số 3 là Tôi đã có tên miền và sẽ tự cập nhật DNS, nhập tên miền của bạn vào và click nút Use

Sau đó bạn kiểm tra lại các thông tin như thông số gói hosting, thời hạn đăng ký, số tiền phải trả,…

Click vào Tiếp tục để chuyển đến trang Xác nhận và Thanh toán, nếu bạn chưa có tài khoản thì check vào ô Tạo tài khoản mới, có tài khoản rồi thì check vào ô Khách hàng cũ đăng nhập, sau đó điền thông tin cá nhân theo yêu cầu.

Xong xuôi hết bạn click vào nút Thanh toán để xem hóa đơn

Bạn chuyển khoản theo đúng thông tin mã số hợp đồng mà Azdigi yêu cầu, sau khi chuyển khoản xong thì Azdigi sẽ tự động kích hoạt tài khoản hosting của bạn.

Như vậy bạn đã mua xong hosting. Bạn kiểm tra email của mình để nhận các thông tin đăng nhập của hosting.

Bây giờ bạn có thể pha ly cà phê hoặc đứng dậy giải lao 5 phút trước khi chúng ta bước vào phần quan trọng nhất của bài hướng dẫn này, cách tạo blog cá nhân bằng WordPress

Bước 4: Cách tạo blog bằng WordPress

1. Trỏ tên miền về hosting

Đầu tiên bạn cần phải trỏ DNS của tên miền về Azdigi với cặp DNS là ns3.azdigi.comns4.azdigi.com

Tên miền bạn mua ở đâu thì đăng nhập vào trang quản lý của tên miền đó, nếu mua ở Namecheap thì vào phần Domain List, bấm Manage để thay đổi Nameservers

Bạn kéo xuống tới phần Nameservers, chọn Custom DNS, điền cặp DNS ns3.azdigi.comns4.azdigi.com vào, xong bấm dấu tick màu xanh để lưu lại.

Bạn đợi vài phút để DNS cập nhật là xong, bây giờ tên miền của bạn đã được trỏ về hosting của Azdigi

Để kiểm tra lại xem chắc chắn tên miền đã được cập nhật DNS chưa, bạn có thể vào intodns.com, nhập tên miền vào và xem kết quả.

Với thao tác vừa rồi, tên miền của bạn đã được kết nối với hosting. Sau này nếu bạn muốn thay đổi các thông tin tên miền như tạo record mới, thay đổi địa chỉ IP,… thì sửa đổi trong phần quản lý tên miền của Azdigi.

2. Kích hoạt chứng chỉ SSL

SSL là viết tắt của từ Secure Sockets Layer, bạn hiểu đơn giản là khi kích hoạt chứng chỉ SSL thì website của bạn sẽ được kết nối bằng giao thức HTTPS, giúp thông tin được bảo mật hơn.

Azdigi cung cấp miễn phí chứng chỉ SSL kèm theo hosting, bạn chỉ vào Security, click vào SSL/TLS Status

Để kích hoạt SSL, bạn chỉ cần chọn các tên miền và click Run AutoSSL

Đợi 30 giây là hệ thống kích hoạt thành công SSL (có icon ổ khóa màu xanh là được).

Bây giờ bạn có thể tiến hành cài đặt WordPress với script được tích hợp sẵn trong cPanel của Azdigi.

3. Cài đặt WordPress

Ở cPanel, bạn kéo xuống cuối cùng, trong mục Softaculous Apps Installer, chọn script WordPress

Click vào Install, các tùy chọn khác bạn để mặc định cho nhanh, khi cài xong thì chúng ta sẽ chỉnh sửa sau. Bạn chỉ cần lưu lại thông tin admin để đăng nhập là được.

Click nào nút Install ở cuối trang và đợi tầm 1-2 phút là cài đặt xong, bạn sẽ thấy thông tin blog của mình như hình

Bạn truy cập vào tên miền của bạn để xem thành quả đầu tiên của mình.

Nhưng đây chỉ mới là mặc định của WordPress, còn rất nhiều việc cần phải làm để blog của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn, mang phong cách cá nhân của bạn hơn.

Bước 5: Tùy chỉnh và thiết kế blog

Thông tin đăng nhập là https://tenmiencuaban.com/wp-admin với userpassword đã lưu lại phía trên

Sau khi đăng nhập vào khu vực admin, bạn sẽ thấy giao diện admin như thế này

Chỉnh lại thông tin cơ bản của blog

Để chỉnh sửa lại thông tin cơ bản của blog, bạn vào Settings => General. Tại đây bạn có thể sửa lại các thông tin như

  • Site Title: Tiêu đề của blog
  • Tagline: Mô tả ngắn về blog của bạn (như slogan)
  • Adminnistration Email Address: Địa chỉ email của bạn.
  • Site Language: Ngôn ngữ của blog
  • Timezone: Chọn múi giờ, Việt Nam thì chọn Ho Chi Minh.
  • Date Format: Định dạng ngày tháng năm
  • Time Format: Định dạng giờ

Để chỉnh lại cấu trúc đường dẫn (URL) của blog, bạn vào Settings => Permalinks.

Bạn có thể tick chọn các tùy chọn có sẵn hoặc chọn Custom Structure để nhập tùy chỉnh.

Tôi thường sử dụng cấu trúc %postname% để có URL dạng như actiondigital.vn/ten-bai-viet/

Cài đặt theme (giao diện) cho blog

Chính vì cộng đồng người sử dụng rất đông đảo nên WordPress có kho giao diện cực kỳ nhiều, bạn có thể thỏa mái lựa chọn các giao diện miễn phí bằng cách vào menu Appearance ở bên trái và click vào Themes.

Bạn click vào Add New, sẽ hiện ra rất nhiều giao diện bạn có thể sử dụng. Bạn có thể bấm qua các tab như Popular, Latest, FavoritesFeature Filter để lọc các giao diện bạn thích.

Ở đây tôi thích sử dụng GeneratePress (xem hướng dẫn) vì nó rất đơn giản, tốc độ nhanh và nhẹ. Sau khi bạn chọn được giao diện, chỉ cần bấm vào nút Install => Activate là có thể sử dụng.

Để tùy chỉnh giao diện, bạn vào Appearance => Themes => Chọn theme đang Active, bấm vào Customize

Tại đây bạn có thể tùy chỉnh tất cả những gì bạn muốn nhìn thấy như là Logo, màu sắc, font chữ, size chữ,… tùy theo cấu trúc của mỗi theme mà các tùy chọn này sẽ khác nhau.

Mỗi khi bạn tùy chỉnh xong, bấm nút Publish để lưu lại

Việc này có thể hơi khó khăn với bạn trong thời gian đầu, bạn cứ kiên nhẫn thực hành và vọc trong Customize lâu dần sẽ thành thạo.

Nếu cần hỗ trợ, bạn hãy bình luận phía dưới bài viết nhé.

Bước 6: Bài viết đầu tiên

Cơ bản về mặt kỹ thuật thì blog của bạn đã hoàn thành. Bây giờ là lúc bạn tung lên bài viết đầu tiên cho blog của mình.

Để viết bài, bạn vào menu Posts => Add New

Tại đây, bạn có thể soạn thảo bài viết của mình bằng công cụ soạn thảo rất trực quan của WordPress, tương tự như trên MS Word hay bất cứ công cụ nào khác.

Xong thì bạn bấm Publish để đăng ngay bài viết hoặc có thể lên lịch để đăng bằng cách chọn thời gian Publish.

Ngoài bài viết (post) thì bạn nên tạo thêm các trang (page) cơ bản để giới thiệu về blog của mình như

  • Trang chủ: Đây là trang đầu tiên và quan trọng của blog, tùy vào bố cục bạn muốn sử dụng
  • Trang Giới thiệu: Hầu như blog nào cũng có trang Giới thiệu, trang này giúp cho người đọc biết bạn là ai? lý do tại sao bạn viết blog, vân vân và mây mây.
  • Trang Liên hệ: Trang này có thể gồm email, số điện thoại, link các tài khoản facebook, youtube,… nói chung là các cách mà người đọc có thể liên hệ với bạn khi có nhu cầu.
  • Trang Sản phẩm, dịch vụ: Bất cứ nội dung về sản phẩm hay dịch vụ nào mà bạn muốn đưa vào blog của mình.

Bước 7: Cài đặt các plugin cần thiết

Plugin là công cụ được tích hợp với blog của bạn để thực hiện 1 hay nhiều chức năng nào đó.

Thao tác cài đặt plugin tương tự với cài đặt theme, đơn giản là bạn chỉ cần vào Plugins => Add New, chọn bất cứ plugin nào bạn thích, bấm nút Install Now => Active là xong.

Dưới đây là các plugin cần thiết mà tôi khuyên bạn nên cài cho blog của mình.

Akismet Spam Protection

Đây là plugin giúp bạn chặn những bình luận spam trên blog, bạn cần đăng ký tài khoản miễn phí tại Akismet.com để lấy API Key mới có thể sử dụng.

Rank Math

Rank Math là plugin hỗ trợ SEO On-page tốt nhất hiện nay (2024), có thể giúp bạn tối ưu title, meta description, hình ảnh, schema, sitemap, redirect, local SEO, theo dõi thứ hạng từ khóa,…còn nhiều lắm.

GenerateBlocks

GenerateBlocks là plugin page builder tương tự như Elementor, nhưng nó đơn giản và nhẹ hơn rất nhiều.

GP Premium

Nếu bạn sử dụng theme Generatepress thì không nên bỏ qua plugin GP Premium của cùng tác giả với 14 module được tích hợp thêm giúp cho việc tùy chỉnh blog bằng theme Generatepress trở nên cực kỳ dễ dàng.

Generatepress + GP Premium + GenerateBlocks là lựa chọn đầu tiên của tôi khi xây dựng bất cứ blog hay website nào bằng WordPress

WP Rocket

WP Rocket là plugin cache mạnh nhất hiện nay, giúp tăng tốc độ tải trang của blog tối đa bằng cách nén các file CSS, HTML, Javascript,…

Có tới khoảng 60.000 plugin miễn phí bạn có thể cài vào blog của mình, tuy nhiên việc cài quá nhiều plugin không cần thiết có thể làm giảm tốc độ tải trang của blog hoặc gây ra lỗi gì đó.

Keep it simple 👉 chỉ cài đặt thêm plugin khi thật sự cần thiết. (tốt cho SEO, tăng tốc độ tải trang, tăng trải nghiệm người dùng,…)

Các việc cần làm tiếp theo

Mục đích của bài này là giúp bạn kiếm tiền, không phải tạo blog cho vui, làm chơi chơi.

Bạn phải xem blog của mình như là 1 business, 1 loại tài sản thật sự có thể giúp bạn tạo ra thu nhập thụ động đều đặn mỗi tháng. Điều đặc biệt hơn là bạn khi bạn tạo được 1 blog thì bạn cũng có thể dễ dàng tạo được 10 blog với quy trình tương tự như trên.

Theo Tổng cục thống kê thì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam trong năm 2020 là 4,2 triệu đồng/tháng, vậy bạn có muốn sở hữu 1 loại tài sản mà mỗi tháng mang lại cho bạn thu nhập thụ động từ 5-7 triệu, thậm chí hàng chục triệu mỗi tháng không?

Bạn nào muốn thì hãy giơ tay lên và nói TÔI.

Đùa thôi, tôi không phải là mấy con lợn đi dạy những khóa học làm giàu bullshit nhan nhản ngoài kia, nên không có chuyện đó đâu. 💩

Hãy trở về với thực tế, đây có thể là kết quả của bạn sau khi viết blog.

Đúng đấy, không có ai đọc blog của bạn cả, buồn nhỉ? 👿

Theo thống kê của Ahrefs với 1 tỷ bài viết trên internet thì có tới 90.63% trong số đó không có traffic từ Google.

Nguồn Ahrefs.com

Tôi khẳng định là để kiếm được từ 5-10 triệu mỗi tháng từ blog là chuyện hết sức bình thường, NHƯNG… bạn phải nằm trong số 9.37% còn lại.

Nghĩa là nội dung bạn viết ra phải có người đọc, những người thực sự có nhu cầu đọc. Blog của bạn phải có traffic. Traffic chính là Tiền.

Để được như vậy thì bạn phải học, học cái gì thì tôi có checklist ngay sau đây

  • Chọn chủ đề blog: Nếu bạn đâm đầu vào “đại dương đỏ” thì kết quả chỉ toàn là máu. Đọc bài này.
  • Nghiên cứu từ khóa: Tương tự như trên, hãy lựa chọn những từ khóa từ siêu dễ để triển khai trước. Đọc kỹ bài nàynày
  • Học kỹ năng viết content: Đọc bài này để biết cách viết content sao cho ra tiền.
  • Học làm SEO: Để người đọc tự tìm đến blog của bạn bằng cách tối ưu SEO.
  • Affiliate Marketing: Đây là hình thức kiếm tiền online an toàn, hiệu quả và bền vững nhất hiện nay.
  • Email Marketing: Để kết nối với người đọc blog. Ở đây có đầy đủ.
  • Còn rất nhiều kỹ năng khác bạn cần phải học hỏi từng ngày, tất cả đều có ở Action Digital

Chốt bài

Còn thiếu gì nữa không nhỉ?

Mặc dù tôi cố gắng hướng dẫn chi tiết nhất có thể cho những người mới nhưng chắc chắn sẽ còn thiếu sót hoặc chưa rõ ràng phần nào đó.

Thực ra việc tạo blog rất đơn giản, nhưng để làm cho nó có thể đem lại cho bạn nguồn thu nhập thụ động ổn định thì không phải chuyện dễ nhưng cũng không phải quá khó nếu bạn có đủ quyết tâm.

Nếu bạn gặp khó khăn gì trong quá trình tạo blog, hãy comment bên dưới nhé.

Xin chào thân ái và quyết thắng 🤘

Photo of author

Bài viết của

Lê Tấn Tịnh

Tôi thích nghiên cứu về SEO và phát triển hệ thống website, có thể scale up lên hàng loạt. Tôi muốn chia sẻ các kiến thức của tôi trong quá trình làm việc với SEO cho bạn tại Action Digital.

Bạn đã sẵn sàng để tăng trưởng chưa?

Hãy bắt đầu bằng việc yêu cầu một bản kế hoạch dành riêng cho bạn.

2 bình luận về “Cách tạo blog cá nhân để kiếm tiền bằng WordPress (Cập nhật 2024)”

Viết một bình luận